navigation

Sản xuất diesel sinh học ở Chiang Mai

Từ năm 2004, việc nghiên cứu, sản xuất nhiên liệu sinh học thay thế xăng dầu truyền thống mà điển hình là diesel sinh học đã được triển khai tại Chiang Mai, bắc Thái Lan, bước đầu thu được kết quả khả quan.

Diesel sinh học - nguồn năng lượng trong tương lai?

Thái Lan là một trong những nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, nước này không có nhiều tiềm năng về dầu mỏ, khí ga hay than đá, do đó phải nhập khẩu phần lớn nguồn năng lượng trên. Trong khi đó, giá dầu mỏ trên thế giới ngày càng tăng cao, gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế Thái Lan.

Hiện nay, Thái Lan nhập khẩu hằng năm khoảng hơn 100 triệu tấn xăng dầu với tổng chi phí hơn 30 tỷ USD. Trong khi đó, do tình hình giá xăng dầu trên thế giới tăng cao liên tục, tại Thái Lan có lúc giá xăng lên đến tới 30 baht/lít và diesel là 28 baht/lít.

Cơ sở sản xuất diesel sinh học tại Chiang Mai, bắc Thái Lan. (Ảnh: ND)

Nhu cầu thì tăng cao, trong khi Thái Lan không được thiên nhiên ưu đãi nhiều về dầu mỏ và khí đốt. Theo các chuyên gia, trữ lượng dầu của Thái Lan rất hạn chế, thậm chí theo tính toán, chỉ có thể khai thác trong vòng 15 năm nữa là cạn kiệt.

Để hiểu rõ hơn tình hình sử dụng năng lượng thay thế, chúng tôi đã đến Chiang Mai, một tỉnh miền bắc Thái Lan nổi tiếng về du lịch, nơi có một dự án sản xuất diesel sinh học tại huyện San Sai (gần tỉnh lỵ Chiang Mai) do Bộ Năng lượng Thái Lan, Cục phát triển năng lượng thay thế hiệu quả (DAEDE) khởi xướng từ giữa năm 2004. DAEDE phối hợp với Chính quyền thành phố Chiang Mai, và một số đơn vị, công ty để tiến hành dự án.

Cùng với tỉnh Chiang Mai, tỉnh Pathum Thani cũng được DAEDE lựa chọn để đặt trạm sản xuất diesel sinh học. Sở dĩ, các nhà khoa học Thái Lan chọn diesel là một trong những loại nhiên liệu được ưu tiên phát triển do nhiều phương tiện giao thông, máy móc thiết bị nước này đang sử dụng diesel. Nếu phát triển được diesel sinh học sẽ góp phần quan trọng ổn định nền kinh tế, giảm bớt áp lực tăng chi phí sản xuất.

Ông Boonthong Ungtrakul, phụ trách dự án sản xuất diesel sinh học tại San Sai, Chiang Mai cho biết: Trạm sản xuất thử nghiệm này có công suất 2.000 lít/mẻ, mỗi trạm như thế này đầu tư khoảng hơn 4 triệu baht (gần 110 nghìn USD). Nguyên liệu mà cơ sở ông sử dụng khá đa dạng gồm các loại hạt có dầu truyền thống (cọ, lạc, đậu tương), dầu ăn đã qua sử dụng, hạt jatropha… Loại xe được chọn thử nghiệm diesel sinh học là taxi bán tải.

Một lượng diesel loại B100 (100% diesel sinh học tinh khiết) có lượng khí thải giảm 50% so với diesel truyền thống. Còn diesel loại B20 (20% diesel sinh học nguyên chất + 80% diesel thường) có độ khí thải giảm 20%. Theo ông Boonthong, nếu diesel sinh học loại B5 trở lên (5% diesel sinh học tinh khiết trở lên) thì động cơ phải trang bị bộ chuyển đổi nhiên liệu. Nói về lợi nhuận của cơ sở này, ông Boonthong cũng cho biết, do nằm trong dự án nghiên cứu của Chính phủ nên cơ sở được tài trợ, chưa tính toán nhiều đến lợi nhuận.

Hồi đầu, những xe sử dụng diesel sinh học ở khu vực Chiang Mai, nhất là những nơi ở trên đồi, núi, sáng ra không thể khởi động máy do chất lượng chưa bảo đảm, thời tiết trên núi lạnh hơn nên dầu có thể bị sánh lại, không phun được vào động cơ để bugi đánh lửa, hoặc gặp những trục trặc liên quan việc không tương thích nhiên liệu. Những điều này đã làm cho khách hàng chưa thực sự tin tưởng vào một loại nhiên liệu mới. Do đó, mỗi tháng, cơ sở này chỉ sản xuất và tiêu thụ cầm chừng 1.700 lít, thực sự là giai đoạn khó khăn đối với ông Boonthong và các cộng sự.

Để các lái xe thấu hiểu tác dụng của loại nhiên liệu mới, các chuyên gia đã phải tiến hành một loạt biện pháp như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ sở cũng thành lập một nhóm sinh viên được huấn luyện qua về tính năng và tác dụng của diesel sinh học, trang bị đồng phục quy củ, sau đó cử đến các trạm xăng ở Chiang Mai để làm công tác tuyên truyền trực tiếp cho các lái xe khi họ đến đổ xăng. Khi đã có được một số khách hàng, đơn vị lập danh sách để nâng cao dịch vụ, thăm dò ý kiến khách hàng, từ đó, chính những khách hàng này sẽ giới thiệu người quen, bạn bè sử dụng diesel sinh học. Tất nhiên, cùng với biện pháp tuyên truyền, điều quan trọng nhất là cơ sở phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất diesel sinh học.

Chỉ riêng việc đánh giá tác động của diesel sinh học tới hệ thống động cơ, các chuyên gia đã phải thu thập số liệu, phân tích, đánh giá trong vòng sáu tháng từ khi chính thức đưa sản phẩm ra thị trường từ đầu tháng 1-2005. Tính tháng 6-2004 đến tháng 6-2005, các trạm sản xuất diesel sinh học của DAEDE đã cung cấp hơn 490 nghìn lít diesel (loại B2 và B5) cho 1.164 xe, chủ yếu là taxi chạy thử nghiệm. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi trên, đến nay, công suất của trạm sản xuất San Sai đã đạt 250 nghìn lít diesel sinh học một tháng. Số lượng xe sử dụng diesel sinh học ở Chiang Mai đã lên tới hàng nghìn xe, chủ yếu là taxi và bán tải. Xe bồn của công ty dầu khí Bangchak thường xuyên đến lấy sản phẩm của đơn vị về pha chế.

DAEDE đánh giá, diesel sinh học bước đầu thành công nhờ các cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho người dân nhận thức được lợi ích kinh tế và môi trường của việc sử dụng diesel sinh học. Hiện các loại xăng pha cồn (gasohol) và diesel sinh học đang ngày càng được bán rộng rãi tại các trạm xăng của Thái Lan.

Chỉ vào dây chuyền sản xuất diesel sinh học có phần gọn nhẹ, anh Chidchai-một cán bộ trạm sản xuất giới thiệu: toàn bộ thiết kế, chế tạo đều do người Thái Lan làm. Dây chuyền được đặt gọn trên chiếc đầu kéo rơ-moóc, việc di chuyển rất thuận tiện. Công nghệ chế tạo cũng không có gì khó khăn vì ngay trên mạng internet cũng có thể tìm kiếm được. Vấn đề này, cơ sở của DAEDE đã có một số kinh nghiệm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ với các địa phương ở Thái Lan, thậm chí kể cả các nước láng giềng.

Đến cuối năm 2006, trên cả Thái Lan mới có gần mười trạm sản xuất diesel sinh học với tổng công suất khoảng 160 nghìn lít/ngày. Trong năm 2007, Bộ Năng lượng Thái Lan dự kiến xây dựng thêm bốn nhà máy sản xuất diesel sinh học nữa, nâng tổng công suất các nhà máy lên gần 1,7 triệu lít/ngày, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ diesel đang tăng nhanh. Bộ này cũng đặt mục tiêu, đến 2011, lượng diesel sinh học sẽ đạt 3% (tương đương 2,4 triệu lít/ngày) tổng lượng diesel tiêu thụ trên cả nước và năm 2012, tỷ lệ này sẽ đạt 10% (tương đương 8,5 triệu lít/ngày).

Bài toán nguồn nguyên liệu

Cây jatropha, quả khi khô có 3 hạt màu đen được dùng để ép dầu diesel sinh học tinh khiết, có mầu vàng chanh nhạt. (Ảnh: ND)

Việc phát triển các loại nhiên liệu sinh học là hết sức cần thiết để giảm bớt lượng xăng dầu nhập khẩu và giảm bớt lượng khí thải độc hại, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để đưa nhiên liệu sinh học từ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm thành sản phẩm thương mại thì nguyên liệu cho sản xuất lớn có ý nghĩa sống còn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Boonthong nói rằng, nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học thì có nhiều loại, song nếu loại nào có thể chế biến dầu ăn (cọ, cải dầu, dừa, vừng…) thì giá cũng khá cao, sản xuất diesel sinh học không khả thi lắm. Còn giải pháp thu gom dầu ăn thừa cũng không khả thi do số lượng hạn chế, lại phân tán nhỏ lẻ, không kinh tế. Hơn nữa, khi thu mua dầu ăn này, cơ sở phải kiểm tra hàm lượng nước, axít béo trước khi cho dầu ăn vào bồn sản xuất. Chỉ riêng việc sản xuất diesel sinh học từ dầu cọ đã cần tới 2 triệu tấn dầu cọ trong năm 2007, trong khi diện tích trồng cọ dầu ở Thái Lan có hạn.

Hiện chỉ có một loại cây cho hạt ép được dầu có tên jatropha, mỗi quả khi chín có ba hạt như hạt đậu to màu đen, cứ 4 kg hạt jatropha ép được 1 lít diesel sinh học tinh khiết 100%. Theo tính toán, 1 kg hạt jatropha nếu ép ra dầu để đốt sẽ sản sinh nhiệt lượng 5.000 kcal, trong khi cùng một khối lượng thì các loại hạt có dầu khác chỉ sản sinh ra 3.000 kcal. Hạt jatropha đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học vì hạt này không thể dùng để ép dầu ăn, cho nên giá thành sản xuất sẽ rẻ hơn so với các loại hạt có dầu truyền thống khác.

Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI) đã yêu cầu chính phủ bảo đảm thu mua hạt jatropha của nông dân nếu muốn mở rộng diện tích canh tác loại cây này. Cho đến nay, hạt jatropha hầu như chưa được bán cho các nhà sản xuất diesel sinh học trong nước mà nông dân thường bán đi Trung Quốc - nơi có nhu cầu tiêu thụ jatropha rất cao. FTI cho rằng, nếu chính phủ muốn đẩy mạnh việc sản xuất diesel sinh học thì phải bảo đảm giá thu mua để khuyến khích họ trồng và bán cho các cơ sở trong nước. Theo các chuyên gia, muốn cho nông dân có lãi khi canh tác jatropha thì giá bán hạt này phải duy trì ở mức 5 đến 7 baht/kg chứ không phải 4 baht/kg như hiện nay.

Nếu làm được như vậy, nhiều khả năng, diện tích trồng jatropha trong cả nước sẽ tăng lên 2 triệu rai (320 nghìn ha) so với 1.600 ha hiện nay. Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích canh tác jatropha nhưng Bộ Nông nghiệp vẫn còn chần chừ, chưa rõ ràng trong việc thúc đẩy canh tác loại cây này mà họ đang muốn tập trung vào phát triển diện tích trồng cọ dầu. Ông Phichai Tinsuntisook, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) dự đoán ít nhất phải đến đầu năm 2007, hạt jatropha mới được đưa ra thị trường để bán rộng rãi cho nông dân.

Hiện nay, chi phí sản xuất một lít diesel sinh học từ hạt jatropha dao động ở mức 20 đến 25 baht/lít và có chiều hướng tăng theo giá xăng dầu, mức này thậm chí gần bằng giá bán lẻ diesel truyền thống tại trạm xăng, nhưng FTI vẫn yêu cầu chính phủ đầu tư phát triển jatropha để giảm bớt lượng nhập khẩu xăng dầu, và điều quan trọng hơn, việc phát triển loại nhiên liệu thay thế này sẽ góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: Hà Thanh GiangVũ Mai Hoàng (Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan)

Theo Nhân dân