Sản xuất becberin bằng công nghệ sinh học

  •  
  • 1.589

Các chuyên gia thuộc Viện Công nghệ sinh học vừa nghiên cứu thành công quy trình nhân nhanh sinh khối mô của cây Hoàng liên gai nhằm sản xuất nguồn dược liệu becberin nhân tạo, thay thế nguồn tự nhiên đang ngày càng khan hiếm.

Với quy trình này, sau khoảng 3-4 tuần nuôi cấy mô của cây Hoàng liên gai, có thể thu được một lượng mô lớn gấp hàng chục lần lượng ban đầu.

Đây là những khối tế bào chứa hoạt chất becberin với chất lượng và hàm lượng tương đương becberin trong rễ Hoàng liên gai ngoài tự nhiên (3-4% trọng lượng khô của rễ). Trong khi đó, để thu hái được rễ Hoàng liên gai, phải đợi cây được 3-5 tuổi.

Ngoài quy trình nhân nhanh sinh khối, các nhà khoa học còn nghiên cứu quy trình nhân nhanh cây giống Hoàng liên gai bằng phương pháp vô tính. Mục tiêu là cung cấp đủ cây giống cho các vùng trồng cây nguyên liệu trong tương lai.

Theo bác sĩ Đinh Thị Thu Hiền, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Công nghệ tế bào thực vật, hai quy trình nói trên có thể giúp VN chủ động tạo đủ nguồn dược liệu becberin, phục vụ nhu cầu rất lớn hiện nay. Đồng thời quy trình còn giúp bảo tồn nguồn gien thiên nhiên, tránh cho cây Hoàng liên gai khỏi bờ vực tuyệt chủng -  Hoàng liên gai đã được xếp vào Sách Đỏ Việt Nam do bị khai thác quá mức.

Được biết để có becberin, các công ty dược phẩm trong nước phải nhập khẩu hoặc chiết xuất từ một số loài cây khác.

Tuy nhiên, tỷ lệ becberin trong cây Hoàng liên gai và Hoàng liên chân gà ở vào loại cao nhất trong số các loài thực vật có chứa becberin (3-7% trong củ, rễ). Ngày nay, ứng dụng quan trọng nhất của becberin là điều trị hiệu quả nhiễm khuẩn đường ruột, lỵ, đau mắt hột... Hơn nữa, hoạt chất này ít độc, lại rẻ tiền.

Theo VietNamNet
  • 1.589