Những viên gạch được sản xuất từ rác thải nhựa để xây dựng lớp học đang là giải pháp hữu hiệu, giúp giải quyết bài toán về thiếu cơ sở giáo dục cho trẻ em ở Cốt Đi-voa. Sáng kiến này cũng được thúc đẩy để áp dụng rộng rãi tại các khu vực Tây và Trung Phi, những nơi có tỷ lệ học sinh bỏ học cao trên thế giới vì tình trạng thiếu phòng học gây nên.
Nhiều trẻ em Cốt Đi-voa đứng trước cơ hội được học tập trong các lớp học khang trang và sạch sẽ. Điều đặc biệt là những cơ sở này được xây dựng bằng gạch làm từ rác thải nhựa. Đây là kết quả của chương trình hợp tác giữa Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Công ty tái chế chất thải nhựa và cao-su Conceptos Plasticos, nhằm sử dụng nhựa được thu gom từ các khu vực ô nhiễm trong và chung quanh thành phố A-bi-giăng, để sản xuất gạch phục vụ kế hoạch xây dựng 500 phòng học cho hơn 25.000 trẻ em trong hai năm tới.
Niềm vui của trẻ em Cốt Đi-voa bên phòng học vừa được xây dựng mới. (Ảnh: UNICEF).
Theo Liên hợp quốc (LHQ), những viên gạch được sản xuất từ nhựa tái chế và có khả năng chống cháy, giá thành rẻ hơn 40%, nhẹ hơn 20% và có tuổi thọ dài hơn hàng trăm năm so các vật liệu xây dựng thông thường. Gạch từ nhựa tái chế cũng không thấm nước, cách nhiệt tốt và được thiết kế để chống gió. Đại diện UNICEF A.Cam-pô cho biết, thiếu phòng học đang là một trong những thách thức lớn đối với trẻ em Cốt Đi-voa, khiến nhiều em phải tạm ngừng giấc mơ đến trường. Cốt Đi-voa hiện cần khoảng 15.000 phòng học cho trẻ em. Tình trạng thiếu cơ sở giảng dạy hoặc quá đông học sinh trong một lớp cũng khiến công tác dạy và học trở nên khó khăn hơn. Những nỗ lực UNICEF và Công ty xử lý rác thải nhựa Conceptos Plasticos bước đầu đã mang lại hiệu quả, bằng việc hoàn thành và đưa vào sử dụng một số phòng học ở các địa phương, như Gôn-da-ghê-vin, Đi-vô và Tu-mô-đi. Theo ông Cam-pô, trẻ mẫu giáo sinh sống tại các khu dân cư nghèo ở Cốt Đi-voa đã được học tập trong những phòng mới, với không quá 100 em mỗi lớp. “Vốn chưa từng nghĩ rằng có một nơi dành cho mình ở trường, những đứa trẻ giờ đây đã có thể lĩnh hội kiến thức và phát triển kỹ năng sống trong một phòng học khang trang và sạch sẽ”, ông Cam-pô cho biết.
Ô nhiễm chất thải nhựa đang làm trầm trọng thêm các thách thức về vệ sinh và môi trường ở Cốt Đi-voa nói riêng và các quốc gia châu Phi nói chung. Chỉ riêng ở A-bi-giăng, trong số hơn 280 tấn chất thải nhựa được thải ra hằng ngày, chỉ có khoảng năm phần trăm được tái chế. 95% lượng chất thải chủ yếu “nằm lại” ở những bãi rác trong các cộng đồng dân cư có thu nhập thấp. Công tác quản lý chất thải không đúng cách là nguyên nhân của 60% số trường hợp sốt rét, tiêu chảy và viêm phổi ở trẻ em, vốn được xem là những tác nhân hàng đầu làm chết trẻ em ở Cốt Đi-voa.
Theo bà H.Pho, Giám đốc điều hành UNICEF, nhà máy sản xuất gạch từ rác thải nhựa là sáng kiến hỗ trợ giải quyết một số thách thức về giáo dục mà trẻ em và cộng đồng châu Phi hiện đối mặt. Những lợi ích mà sáng kiến mang lại là rất đáng kể. Ngoài việc cung cấp thêm nhiều phòng học cho trẻ em, sáng kiến cũng góp phần làm giảm mạnh lượng rác nhựa thải ra môi trường, đồng thời giúp tăng thu nhập cho các gia đình “dễ bị tổn thương nhất”. Nhiều quốc gia châu Phi cũng đang thúc đẩy một loạt sáng kiến, nhằm đối phó tình trạng rác thải nhựa ngày càng tăng. Một số trường học ở thành phố La-gốt của Ni-giê-ri-a cùng tổ chức phi chính phủ Sáng kiến làm sạch châu Phi (ACI) triển khai dự án đóng học phí bằng chai nhựa, khuyến khích các bậc cha mẹ thuộc các cộng đồng thu nhập thấp nộp chai nhựa thay học phí cho con em mình.
Đại diện Conceptos Plasticos cho biết, bằng cách biến rác thải nhựa thành các “cơ hội”, công ty muốn giúp phụ nữ châu Phi thoát nghèo và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em. Dự án được mở rộng triển khai rộng khắp tại các quốc gia Tây và Trung Phi, những khu vực chiếm một phần ba số trẻ em trên thế giới ở độ tuổi tiểu học và một phần năm số trẻ em ở độ tuổi trung học cơ sở không đến trường.