Đây là sáng chế mới vừa được nhóm nghiên cứu tại Đại học Loughborough (Anh) giới thiệu, sau khi chứng minh nó có khả năng điều nhiệt ở mọi điều kiện thời tiết.
Được biết, các cửa sổ bình thường có hai vấn đề chính, đó là để hơi nóng bên trong nhà thoát ra ngoài khi trời lạnh và hấp thụ nhiệt vào nhà khi thời tiết nắng nóng. Cửa sổ chứa nước (WFG) có thể khắc phục 2 đặc điểm này.
Nguyên mẫu nhà sử dụng WFG tại Đài Loan.
Về mặt cấu tạo, mỗi cửa sổ bao gồm 2 tấm kính bên ngoài và khe chứa nước bên trong. Các cửa sổ được kết nối với một bể chứa nước trong nhà thông qua hệ thống ống dẫn được đặt âm tường, cho phép nước lưu thông dễ dàng giữa các cửa sổ và bể chứa.
Nhờ cách thiết kế này, khi ánh nắng xuyên qua lớp kính, cửa sổ sẽ giữ nhiệt độ trong phòng không quá nóng. Còn khi cửa sổ đạt tới nhiệt độ đủ nóng, lượng nước bên trong sẽ được bơm qua ống dẫn về bể chứa nước, đồng thời được thay thế bằng nguồn nước mới mát hơn.
Lượng nước nóng vừa tạo ra cũng có thể được dẫn tới các vòi nước sinh hoạt, giúp giảm nhu cầu sử dụng máy nước nóng và tiết kiệm nước. Ngược lại, khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống, phần nước ấm dự trữ sẽ được bơm vào ống dẫn và tỏa nhiệt xuyên tường để làm ấm phòng trở lại.
Nhóm sáng chế đã thử nghiệm WFG cho 2 ngôi nhà đặt ở nơi có điều kiện thời tiết khác nhau là Đài Loan và Hungary. Kết quả cho thấy mặc dù hệ thống cần dùng điện khi vận hành, song việc trang bị WFG có thể giúp tiết kiệm năng lượng từ 47%-72% so với khi sử dụng cửa sổ hai lớp kính và 34%-61% so với cửa sổ ba lớp kính.