Cựu hành tinh thứ 9 của hệ Mặt trời sở hữu bầu khí quyển trái ngược hoàn toàn so với Trái đất, nghĩa là càng lên cao thì nhiệt độ không khí càng tăng.
Những hợp chất hữu cơ màu đỏ bao phủ bề mặt băng giá của sao Diêm vương. Thiên thể nằm sát đường chân trời và không phát sáng là Charon, vệ tinh lớn nhất của sao Diêm vương. Ảnh: cosmographica.com. |
Các nhà thiên văn quốc tế mới đưa ra được các thông số chi tiết về tình trạng phân bố khí metan (gây hiệu ứng nhà kính ở địa cầu) trên bầu khí quyển của sao Diêm vương trong một báo cáo nhờ kính thiên văn tại Trạm quan sát European Southern.
Theo báo cáo này, metan là khí phổ biến thứ hai trên sao Diêm Vương. Càng ở vĩ độ cao thì nhiệt độ của khí metan càng tăng. Do đó, tầng trên cùng của bầu khí quyển có nhiệt độ cao hơn khoảng 50 độ C so với bề mặt tiểu hành tinh.
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng metan và nhiều khí khác đã đóng băng và tạo thành một tầng trên bề mặt sao Diêm vương. Khi tiểu hành tinh tới gần Mặt trời, những khí đóng băng bốc hơi. Quá trình đó – gọi là sự thăng hoa – khiến nhiệt độ bề mặt sao Diêm vương giảm xuống, đồng thời làm tăng nhiệt độ của bầu khí quyển.
Sao Diêm vương từng được coi là hành tinh thứ 9 của hệ mặt trời. Nhưng vào ngày 7/9/2006, Trung tâm Minor Planet - cơ quan chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu về các tiểu hành tinh và sao chổi trong hệ mặt trời - quyết định gán cho nó số tiểu hành tinh 134340. Động thái này diễn ra sau khi Hiệp hội Thiên văn quốc tế xếp Diêm vương tinh vào nhóm các thiên thể nhỏ hơn hành tinh trong hệ mặt trời.
Theo các nhà thiên văn học, một thiên thể được coi là một hành tinh nếu nó bay trong quỹ đạo quanh mặt trời, đủ lớn để có dạng gần tròn, có quỹ đạo riêng so với các thiên thể khác. Quỹ đạo hình elip dẹt của sao Diêm vương cắt qua quỹ đạo của sao Hải vương nên nó không được coi là hành tinh.