Một giáo sư vật lý người Anh cho rằng độ giảm ánh sáng quan sát được từ Trái Đất của ngôi sao KIC 8462852 có thể là do một nền văn minh tiến bộ sống tại một hành tinh quay quanh nó khai thác quang năng.
Người ngoài hành tinh khai thác năng lượng làm ngôi sao giảm độ sáng
Theo IB Times, KIC 8462852 cách Trái Đất 1.400 năm ánh sáng. Ánh sáng của nó truyền tới Trái Đất có những đợt thay đổi lớn, không theo chu kỳ, theo quan sát bằng kính thiên văn vũ trụ Kepler.
"Một phần tư lượng ánh sáng từ ngôi sao này có thể biến mất trong những đợt thay đổi, trong khi những hành tinh lớn nhất cũng chỉ có khả năng che mờ khoảng 1% ánh sáng. Những đợt thay đổi cũng không theo quy luật, với các hình dạng cũng không phải hình cầu. Đây là một hệ sao rất lạ với một hoặc nhiều vật thể cực lớn quay xung quanh một ngôi sao", Brian Cox, giáo sư chuyên ngành vật lý hạt, Đại học Manchester, Anh cho biết hôm 5/11.
Có nhiều giả thuyết giải thích về những sự thay đổi độ sáng bất thường này. Một trong những giả thuyết đó là về va chạm hành tinh. Tuy nhiên, nếu là do va chạm hành tinh thì phải thu được các bức xạ nhiệt từ các đám mây bụi sinh ra do va chạm. Một giả thuyết khác là một nhóm sao chổi khi bay ngang qua KIC 8462852 đã bị lực hấp dẫn của nó phá vỡ, tạo ra một lượng lớn bụi khí che mờ ánh sáng.
Mô hình quả cầu Dyson. (Anh: Kevin Gill).
Giả thuyết cuối cùng, cho rằng có một nền văn minh tiến bộ với nhu cầu năng lượng lớn. Có thể họ đã xây dựng một hệ thống các tấm pin quang năng khổng lồ quay xung quanh KIC 8462852. Ý tưởng này lần đầu tiên được đề cập vào những năm 1960, bởi nhà vật lý lý thuyết Freeman Dyson.
"Có một giả thuyết gọi là "quả cầu Dyson", cho rằng một nền văn minh cực kỳ tiến bộ sẽ có cách để bao quanh toàn bộ một ngôi sao bằng một quả cầu từ các tấm pin quang năng. Nhờ đó, họ có thể khai thác hết năng lượng phát ra từ ngôi sao này", Cox giải thích.
Theo nghịch lý Fermi, một trong những nghịch lý vĩ đại nhất (mâu thuẫn giữa số lượng rất lớn hành tinh phù hợp với sự sống và không thể tìm ra bằng chứng về các nền văn minh ngoài vũ trụ), phải có khoảng 20 tỷ hành tinh giống Trái Đất trong dải Ngân Hà, với thời gian khoảng 11 tỷ năm cho sự sống phát triển trên các hành tinh này. Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một vài trong số đó có mức độ phát triển vượt trội Trái Đất.
Theo Cox, nếu phát hiện được dấu hiệu của một nền văn minh nào đó ngoài Trái Đất từ các ngôi sao xa xôi, cần nghiêm túc tiến hành nghiên cứu thêm.
"Tôi nhấn mạnh rằng, giả thuyết về các tấm pin quang năng có thể đúng hoặc sai. Nhưng với các dữ liệu quan sát chưa thể giải thích ở thời điểm này, sẽ không quá ngạc nhiên nếu có một nền văn minh tiến bộ hơn chúng ta rất nhiều có khả năng xây dựng một hệ thống như vậy. Tôi sẽ không cảm thấy ngạc nhiên", Cox nói.