Sắp tới, Cơ quan vũ trụ châu Âu sẽ phóng tàu thám hiểm Venus Express tới hành tinh này với hy vọng lần đầu tiên nhìn thấy bộ mặt thật của thần Vệ Nữ dưới tầng khí quyển dày 20-35 km.
Nhân chuyến bay nói trên, Hiệp hội hành tinh (Planetary Society) có trụ sở tại Califomia (Mỹ) - Tổ chức khuyến khích nghiên cứu vũ trụ phi chính phủ lớn nhất thế giới - đã phát động một cuộc thi vẽ với tựa đề "Postcards from Venus" (Bưu thiếp gửi từ sao Kim) dành cho mọi người trên trái đất. Nội dung cuộc thi: Thí sinh cần tưởng tượng để vẽ những "bức tranh phong cảnh" của sao Kim với góc độ nhìn từ trên cao xuống. Giải cao nhất của cuộc thi là một chuyến đi tới Trung tâm giám sát vũ trụ châu Âu ở Darmstadt, Đức, vào tháng 4 năm tới, để từ đó cùng theo dõi tàu thám hiểm Venus Express đi vào quỹ đạo của hành tinh này.
Thế nhưng không ít người cho rằng, cuộc thi này đã lạc mốt mất... 40 năm. Bởi cái thời mà người ta vẫn còn một sự hình dung đầy lãng mạn và thi vị về sao Kim đã chấm dứt từ những năm 1960.
Người anh em sinh đôi
Trên hành trình trôi nổi trong vũ trụ vô biên, sao Kim là hành tinh gần trái đất nhất, lại có độ lớn và khối lượng tương tự như trái đất. Và về đêm thì có độ sáng chỉ thua mặt trăng. Được xếp vào loại hành tinh giống trái đất nhất về cấu tạo thổ nhưỡng, song có lẽ không thể có sự sống trên đó, ít nhất thì cũng không ở dạng quen thuộc như trên thế giới xanh của chúng ta.
Được bao bọc bởi lớp thán khí dày đặc và nặng gấp 90 lần, sao Kim chịu một áp suất 92 bar - tương tự như ở độ sâu 900 m dưới đáy biển, nơi bất cứ chiếc tàu ngầm bình thường nào cũng bị bóp bẹp như một bao diêm. Nhiệt độ 470oC không cho phép giọt nước nào tồn tại trên bề mặt nung đỏ, chứa đầy những vũng thiếc và chì nóng chảy nằm trên nền đá nham thạch đông cứng từ các núi lửa phun ra. Nồng độ lưu huỳnh và acid sẽ thiêu cháy mọi mầm mống sinh vật.
Đối với giới nghiên cứu, kiến thức về sao Kim sẽ cho phép hiểu rõ hơn về lịch sử của hệ mặt trời và tương lai của trái đất, vì những gì còn làm ta loay hoay mò mẫm về hiệu ứng nhà kính và những tác động của nó trong vài thập kỷ tới thì sao Kim đã trải qua ở mức độ cực đoan.
Tuy nhiên mọi kiến thức về sao Kim cho đến 1960 chỉ dựa vào phương pháp đo gián tiếp bằng radar sóng điện từ do trạm Magellan của NASA tiến hành từ quỹ đạo gần, thể hiện các vật thể với độ lớn trên 100 m.
Vất vả nhận họ hàng
Ngày 12/2/1961, vệ tinh Venera 1 của Liên Xô lần đầu tiên bay cách sao Kim 100.000 km nhưng không quan sát được gì và cũng mất liên lạc với trung tâm điều hành, vì hệ cảm ứng định vị bị nhiệt độ cao tàn phá. Người Mỹ thành công hơn chút ít với Mariner 2 một năm sau, đo được sóng điện từ gây nhiệt và khẳng định sao Kim không có từ trường. Venera 2 bốc cháy trước khi lại gần sao Kim, và Venera 3 (1966) là sứ giả đầu tiên tiếp cận được bề mặt hành tinh bão táp này, tuy nhiên ngay lập tức bị phá hủy hoàn toàn. Sau Venera 5 và 6 bị áp suất bóp nát ở độ cao 18 km, Venera 7 (1970) là chuyến đổ bộ may mắn đầu tiên, từ đó ta có được những hình ảnh "thật" cũng như các dữ liệu chính xác về nhiệt độ và áp suất, được hoàn thiện bởi Venera 8 (1972). Nhưng cũng phải đợi đến chuyến Venera 16 (1982), bản đồ địa lý của sao Kim mới được coi là hoàn chỉnh...
Kiểm tra Venus Express trong môi trường chân không |
Giờ đây những con tàu thám hiểm không chỉ xé toang màn mây bao quanh sao Hôm - sao Mai, mà sẽ để lại dư vị sắt thép khiến trí tưởng tượng ngày càng ít đất phát triển...
Xem thêm bài: Hoãn phóng vệ tinh lên Sao Kim