Hiện đã có thuốc chữa rắn cắn nhưng tùy vào loại rắn mà sẽ có một loại thuốc chuyên dụng, đồng thời phải giữ lạnh mới dùng được nên nếu ở xa bệnh viện hoặc không xác định được loại rắn thì tỷ lệ tử vong cao.
Điều này sắp được giải quyết bởi các nhà khoa học Mỹ cho biết đã thành công bước đầu trong việc tạo ra một loại thuốc có thể chữa được tất cả các loại nọc rắn (hiện tại là 28 loại độc phổ biến) và bệnh nhân có thể tự dùng mà không cần sự giúp đỡ của bác sĩ.
Một trong những khó khăn nhất trong quá trình phát triển thuốc giải nọc rắn chính là tùy vào loại độc của các loài rắn khác nhau mà tác động của nó tới cơ thể người cũng khác nhau, có thể là gây tê liệt, tổn thương mô, đặc máu hoặc cả 3 tác động nay. Do đó, một loại thuốc giải độc hiệu quả cần chống lại được tất cả các phản ứng sinh hóa do nọc rắn gây ra cho con người. Để làm được điều này, nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện khoa học California dẫn đầu bởi giáo sư Matt Lewin đã tập trung vào một loại enzyme có tên là sPLA 2 vừa có trong nọc rắn, vừa được cơ thể người tạo ra trong quá trình kháng viêm.
Varespladib có tác dụng ức chế hoạt động nọc độc của tất cả các loại rắn.
Nhóm đã thu thập các loại hợp chất hóa học để tiến hành thử nghiệm chống lại sPLA2 trong thử nghiệm lâm sàng ở nhiều điều kiện khác nhau. Tiếp theo họ trộn các loại độc và thuốc giải lại và dùng chất chỉ thị màu để đo lường nồng độ sPLA2 chứa trong hỗn hợp đó. Cuối cùng họ phát hiện ra một loại thuốc mang varespladib có tác dụng ức chế hoạt động của sPLA2. Loại thuốc này trước đây đã được phát triển để ngăn chặn nhiễm trùng vết thương.
Để kiểm chứng lại hiệu quả, Lewin đã tiến hành dùng varespladib để chống lại một loạt 28 loại nọc độc rắn khác nhau, bao gồm rắn mamba đen, rắn hổ bướm, hổ mang Ấn Độ, hổ mang Nam Phi, cạp nong, rắn Taipan nội địa, rắn san hô, rắn chuông Nam Mỹ và rắn cạp nia biển. Và kết quả cho thấy hoạt tính của sPLA2 đều bị ức chế trong các trường hợp này. Đồng thời, các kết quả trên đều có tác dụng khi thử nghiệm trên cơ thể chuột, giúp ức chế hoạt tính của sPLA2, giữ mạng sống cho con chuột sau khi bị rắn cắn.
Mặc dù kết quả các thử nghiệm đầu tiên là đầy hứa hẹn nhưng nghiên cứu vẫn chưa được công bố rộng rãi ở các tạp chí lớn, đồng thời cũng chưa được bình duyệt bởi các nhà khoa học khác. Nguyên nhân là do họ cho rằng đây chỉ mới là thành công bước đầu và còn phải làm rất nhiều thử nghiệm khác trước khi cho ra đời một loại thuốc giải độc đa năng. Tuy nhiên, nếu thành công, đây sẽ là một tin tốt đối với tất cả mọi người dân, đặc biệt là tại các khu vực nhiệt đới, vùng sâu vùng xa.