"Sát thủ vô hình" vi nhựa xuất hiện ngày càng nhiều trong cơ thể con người

Hạt vi nhựa là một trong những vấn đề môi trường quan trọng hiện nay. Chúng được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên Trái đất.

Trong những năm gần đây, vi nhựa đã được ghi nhận trong nhiều bộ phận cơ thể người từ phổi, trong các mô nhau thai, sữa mẹ và trong máu người.

Nhà khoa học vi nhựa Heather Leslie, Đại học Vrije Amsterdam, Hà Lan đã tìm thấy vi nhựa trong các mẫu máu từ 17 trong số 22 tình nguyện viên trưởng thành khỏe mạnh ở nước này.

Nghiên cứu đã xác nhận điều mà nhiều nhà khoa học đã nghi ngờ từ lâu, những mảnh vi nhựa này có thể được hấp thụ vào máu.


Vi nhựa đã được phát hiện trong nước đóng chai. (Ảnh minh họa: WAFF).

Cuộc sống ngày nay, nhựa xuất hiện xung quanh chúng ta từ quần áo, mỹ phẩm, thiết bị điện tử, lốp xe, bao bì và rất nhiều mặt hàng khác.

Leslie cho biết: "Có khoảng 3.000 vật liệu nhựa khi tôi bắt đầu nghiên cứu vi nhựa hơn một thập kỷ trước. Bây giờ con số này là rất lớn hơn 9.600 loại và chúng đều có thành phần hóa học riêng và độc tính tiềm ẩn".

Mặc dù bền, nhựa vẫn bị phân hủy do phong hóa từ nước, gió, ánh sáng mặt trời hoặc nhiệt, như trong môi trường đại dương, các bãi chôn lấp hoặc do ma sát từ lốp xe ô tô, tất cả đều giải phóng các hạt vi nhựa ra môi trường.

Ngoài việc nghiên cứu các hạt vi nhựa, các nhà nghiên cứu cũng đang cố gắng xử lý các hạt nhựa nano kích thước dưới 1 micromet.

Nhà độc học Dick Vethaak, Viện Khoa học Đánh giá Rủi ro, Đại học Utrecht ở Hà Lan cho biết: "Các vật thể nhựa lớn trong môi trường sẽ phân hủy thành vi nhựa và hạt nano, quá trình này diễn ra liên tục do đó làm tăng số lượng hạt".

Gần hai thập kỷ trước, các nhà sinh học biển bắt đầu thu hút sự chú ý đến sự tích tụ của vi nhựa trong đại dương và khả năng ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe của sinh vật và hệ sinh thái.

Nhưng chỉ trong những năm gần đây, các nhà khoa học mới bắt đầu tập trung vào vấn đề vi nhựa trong thực phẩm và nước uống của con người - cũng như không khí trong nhà.

Các hạt nhựa cũng được thêm vào mỹ phẩm như son môi, son bóng và trang điểm mắt để cải thiện cảm giác và các mặt hàng chăm sóc cá nhân, chẳng hạn như tẩy tế bào chết mặt, kem đánh răng và sữa tắm với mục đích tăng đặc tính làm sạch.

Khi rửa sạch, những vi nhựa này đi vào hệ thống nước thải và tồn tại trong bùn của các nhà máy xử lý nước sau đó chúng được sử dụng để bón phân cho đất nông nghiệp, hoặc thậm chí thải ra sông hồ.

Hậu quả của những hạt vi nhựa khi chúng xâm nhập vào cơ thể chúng ta vẫn chưa rõ ràng, nhưng một cộng đồng các nhà nghiên cứu đang phát triển điều tra những câu hỏi này và cho rằng có lý do để lo ngại.

Các hạt hít vào có thể gây kích ứng và làm hỏng phổi, giống như tổn thương do các hạt vật chất khác gây ra. Và mặc dù thành phần của các hạt nhựa khác nhau, một số có chứa các hóa chất được biết là can thiệp vào hormone của cơ thể.

Vi nhựa xâm nhập vào cơ thể chúng ta như thế nào?

Nghiên cứu chỉ ra hai con đường chính vi nhựa xâm nhập vào cơ thể con người bao gồm việc chúng ta nuốt chửng và hít chúng.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thực phẩm và nước uống của chúng ta bị nhiễm vi nhựa. Một nghiên cứu ở Ý vào năm 2020 đã tìm thấy vi nhựa trong trái cây và rau quả hàng ngày.


Vi nhựa cũng xuất hiện trong loài cá và chúng gián tiếp đi vào cơ thể chúng ta khi ăn. (Ảnh minh họa: Scientific American).

Cây lúa mì và rau diếp đã được quan sát thấy hấp thụ các hạt vi nhựa trong phòng thí nghiệm; sự hấp thu từ đất có chứa các hạt có lẽ là cách chúng xâm nhập vào sản phẩm của chúng ta ngay từ đầu.

Một nghiên cứu thí điểm gần đây do Tổ chức Plastic Soup Foundation đã tìm thấy vi nhựa trong tất cả các mẫu máu được thu thập từ lợn, bò tại các trang trại Hà Lan và cho thấy vật nuôi có khả năng hấp thụ một số hạt nhựa từ thức ăn, nước hoặc không khí của chúng.

Trong số các mẫu thịt bò và thịt lợn được thu thập từ các trang trại và siêu thị, 75% có sự hiện diện của vi nhựa. Nhiều nghiên cứu ghi nhận, các hạt vi nhựa cũng có trong cơ cá, ruột và do đó có khả năng được tiêu thụ khi mọi người ăn hải sản.

Vi nhựa còn xuất hiện trong nước uống của chúng ta kể cả sản phẩm đóng chai. 

Kết quả từ các nghiên cứu cố gắng định lượng mức độ ăn vào của con người có thể lên đến hàng chục nghìn hạt vi nhựa một người mỗi năm.

Thêm vào đó, vẫn chưa rõ các hạt này được cơ thể con người hấp thụ, phân phối, chuyển hóa và bài tiết như thế nào, và nếu không được bài tiết ngay lập tức, chúng có thể tồn tại trong bao lâu.

Trẻ sơ sinh có thể phải đối mặt với phơi nhiễm đặc biệt cao. Một nghiên cứu nhỏ trên 6 trẻ sơ sinh và 10 người lớn cho thấy, trẻ em có nhiều hạt vi nhựa trong phân hơn người lớn.

Đặc biệt, vi nhựa có thể xâm nhập vào thai nhi qua nhau thai và trẻ sơ sinh cũng có thể ăn các hạt qua sữa mẹ. Việc sử dụng bình sữa cho bằng nhựa và đồ chơi kích thích mọc răng làm tăng thêm sự tiếp xúc với vi nhựa của trẻ em.

Các hạt vi nhựa cũng đang trôi nổi trong không khí. Một nghiên cứu được tiến hành ở Paris (Pháp) cho thấy, nồng độ vi nhựa lơ lửng không khí trong nhà là từ 3 đến 15 hạt trên một mét khối không khí, trong khi nồng độ ngoài trời thấp hơn nhiều.

Nhà miễn dịch học Nienke Vrisekoop, Đại học Utrecht, Hà Lan nói: "Nếu tôi giữ một miếng cá trên bàn trong một giờ, nó có thể đã thu thập được nhiều vi nhựa từ không khí xung quanh hơn là từ đại dương".

Rủi ro sức khỏe tiềm ẩn

Các nghiên cứu thí nghiệm trên chuột cho thấy, vi nhựa không lành tính, việc tiếp xúc với chúng có thể phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến viêm, giảm chất lượng tinh trùng và mức testosterone của chuột, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập và trí nhớ.

Nhà miễn dịch học Barbro Melgert, Đại học Groningen, Hà Lan đã nghiên cứu việc con người tiếp xúc với sợi nylon sẽ làm giảm cả số lượng và kích thước đường thở hình thành trong các mô của bộ phận này.

"Vi nhựa có thể được coi là một dạng ô nhiễm không khí. Chúng tôi biết chúng đe dọa nguy hiểm trong phổi của chúng ta".

Vrisekoop đang nghiên cứu khác liên quan đến cách hệ thống miễn dịch của con người phản ứng với vi nhựa (chưa được công bố) cho thấy, các tế bào miễn dịch không nhận ra các hạt vi nhựa trừ khi chúng có protein máu, virus, vi khuẩn hoặc các chất gây ô nhiễm khác được gắn vào.

Nhưng có khả năng những mảnh như vậy sẽ bám vào các hạt vi nhựa trong môi trường và bên trong cơ thể.

"Nếu vi nhựa không sạch, các tế bào miễn dịch sẽ chết nhanh gây ra phản ứng viêm mạnh hoặc có thể làm trầm trọng thêm các bệnh viêm hiện có của phổi hoặc đường tiêu hóa", Vrisekoop cảnh báo.

Cập nhật: 28/03/2023 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video