Sau 60 năm, NASA mới làm nhà vệ sinh cho phi hành gia nữ

Sự có mặt của hệ thống nhà vệ sinh mới dành cho phi hành gia nữ đang thể hiện quyết tâm đưa phái yếu đặt chân lên Mặt trăng của NASA.

Khung cảnh ấy thật tuyệt đẹp.

Buzz Aldin nhớ lại cái cảm giác nổi da ốc khi ông đặt chân lên Mặt trăng cách đây 51 năm. Nhờ khoảnh khắc đó, Aldin đã trở thành người thứ 2 trên thế giới được chạm vào bề mặt của một nơi không phải Trái đất, sau nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong.

“Tôi lập tức nhìn xuống chân mình và bị những đặc tính đặc biệt của bụi Mặt trăng mê hoặc.

Nếu một người đá cát trên bãi biển, cát sẽ phân tán theo nhiều hướng cũng như độ xa khác nhau. Trên Mặt trăng, bụi di chuyển theo các hướng một cách chính xác và không phân tán quá xa”, Aldin viết trong cuốn hồi ký.

Mặc dù không phải là người đầu tiên bước xuống Mặt trăng, Aldin lại là người đầu tiên đi tiểu tại đây. Ông “giải quyết” vấn đề khó nói này nhờ một thiết bị chuyên dụng đeo quanh thắt lưng. Trong gần 60 năm kể từ khi con người bay lên vũ trụ, các kỹ sư đã dành không ít thời gian nghiên cứu công nghệ giúp phi hành gia đi vệ sinh trong môi trường không trọng lực, từ tàu con thoi cho đến chính bộ đồ của họ.

Giải quyết "nỗi buồn" chưa bao giờ khó khăn thế

Nhà vệ sinh không gian khác biệt hoàn toàn với Trái đất. Các phi hành gia sẽ phải tiểu vào một chiếc phễu cầm tay và đại tiện vào một thiết bị nhỏ hơn bệ toilet truyền thống. Cả 2 thiết bị đều được trang bị quạt hút chân không, một tính năng vô cùng quan trọng ở nơi mọi thứ đều bay lơ lửng.

Nước tiểu sẽ được chuyển hóa thành nước uống của ngày hôm sau. Trong khi đó chất thải rắn được nén vào thùng chứa có thể tháo rời. Chúng được chuyển lên một phi thuyền chất rác thải và thả vào lớp khí quyển để tiêu hủy.


Mẫu bệ vệ sinh hiện tại trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS khiến các nữ phi hành gia không thoải mái. (Ảnh: NASA).

Tuy nhiên, giải quyết các vấn đề cơ bản của con người trên vũ trụ không phải chuyện đơn giản, công việc này đòi hỏi phi hành gia phải có kỹ năng xử lý cẩn thận và chính xác. Trong trường hợp giữ phễu tiểu quá gần, luồng không khí hút vào sẽ bị chặn và chất lỏng có thể đọng lại. Ngay cả việc mất tiếp xúc với bệ toilet cũng sẽ khiến chất thải thoát ra ngoài. Nếu phi hành gia quên bật quạt hút chân không, mọi thứ xung quanh sẽ biến thành một nơi rất “lộn xộn”.

Mẫu nhà vệ sinh hiện tại trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS không cho phép phi hành đoàn tiểu tiện và đại tiện cùng lúc. Thậm chí, chúng còn gây khó chịu cho các nữ phi hành gia. Trong nhiều năm, việc sử dụng nhà vệ sinh không được thiết kế riêng cho phái yếu đã trở thành kỹ năng sống quan trọng của bất kỳ nữ phi hành gia nào.

“Có một chút khó khăn khi ngồi trên ghế mà vẫn đưa được phễu đến nơi cần thiết”, Jessica Meir, một phi hành gia NASA cho biết.

Phi hành đoàn sẽ được các chuyên gia hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng và sửa chữa nhà vệ sinh tại Trung tâm Vũ trụ Houston’s Johnson. Trong các hoạt động thực hành mô phỏng đi bộ ngoài không gian, phi hành đoàn sẽ phải mặc tã để diễn tập và áp dụng vào thực tế.

Meir cho biết khóa đào tạo rất quan trọng và cần tới nhiều lời khuyên từ các đồng nghiệp. Trong chuyến bay lên ISS năm 2019, Christina Koch, người bạn thân của Meir đã chỉ cô cách sử dụng bệ ngồi thoải mái nhất có thể.

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết mình đã làm được. Chuyện đi vệ sinh sẽ rất khó chịu nếu tôi không cố gắng”, Meir cho biết nhiều phụ nữ sẽ khó có thể đi vệ sinh theo cách cô được dạy vì thiết kế của thiết bị không phù hợp với giải phẫu cơ thể phụ nữ.

NASA quyết tâm đưa phụ nữ lên Mặt trăng

Nhận thấy sự bất tiện đó, NASA đã chi 23 triệu USD để chế tạo Hệ thống Quản lý Chất thải Vũ trụ, nói cách khác, NASA vừa cho ra đời bệ vệ sinh đắt giá nhất thế giới. Thiết bị có kích thước nhỏ và nhẹ hơn phiên bản cũ. Trong trường hợp bị rò rỉ, việc bảo trì và sửa chữa cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Các ống kim loại của thiết bị được in 3D và có khả năng chịu đựng được axit. Dung dịch này được dùng để xử lý nước tiểu và biến thành nước uống.


Mẫu bệ vệ sinh vũ trên ISS (trái) và Hệ thống Quản lý Chất thải Vũ trụ (phải). (Ảnh: NASA).

Nhà vệ sinh mới được thiết kế nhằm phù hợp với nữ phi hành gia. Trong suốt 2 thập kỷ, chỉ đàn ông mới được phép bay lên vũ trụ. Mặc dù nam giới vẫn chiếm phần lớn trong lực lượng phi hành gia của NASA, ngày càng có nhiều phụ nữ được tham gia chương trình bay vào vũ trụ. Sự có mặt của thiết bị vệ sinh mới này sẽ tượng trưng cho quá trình đổi mới của chương trình khám phá không gian Mỹ.

NASA đã tham khảo ý kiến của các nữ phi hành gia nhằm hoàn thiện công đoạn thiết kế. Theo Melissa McKinley, người quản lý dự án, các kỹ sư đã cải tạo hoàn toàn phễu chứa nước tiểu sao cho phù hợp với cơ thể phụ nữ. Họ cũng khắc phục những nhược điểm giúp phụ nữ có thể thoải mái sử dụng hơn. Ngoài ra, quạt hút chân không sẽ tự hoạt động thay vì phải khởi động thủ công như trước.

Nhà vệ sinh hiện có trên trạm ISS phía Mỹ được phát triển từ những năm 1990, dựa trên mô hình của Liên Xô. Phiên bản thiết kế vụng về này được 2 phi hành gia Stott và Meir ví như bộ đồ không gian của họ. Năm 2019, NASA đã phải điều chỉnh lại các nhiệm vụ đi bộ ngoài không gian do không có đủ bộ phi hành gia vừa với phụ nữ. Các chi tiết của trang phục được thiết kế từ những năm 1970 và đã dừng sản xuất 20 năm sau đó do NASA bị cắt giảm ngân sách.

Trong tương lai, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ có tham vọng đưa người phụ nữ đầu tiên lên Mặt trăng trong chương trình Artemis. NASA đã hoàn tất việc lắp đặt nhà vệ sinh 23 triệu USD lên ISS. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn đang phát triển thêm một nhà vệ sinh đắt tiền nữa trong phi thuyền chuyên dùng để hạ cánh.

Cập nhật: 20/10/2020 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video