Ấn Độ đang đóng tàu lặn có người lái đầu tiên để tiến hành sứ mệnh nghiên cứu tài nguyên biển sâu và đánh giá đa dạng sinh học.
Theo trang Bloomberg ngày 12-9, dự án này là dấu hiệu mới nhất cho thấy Ấn Độ muốn nâng cao vị thế khoa học công nghệ trên thế giới, nhất là trong không gian và những khu vực chưa được khám phá.
Tàu lặn có tên gọi "MATSYA 6000" nói trên đang được phát triển tại Viện Công nghệ Đại dương quốc gia. Theo trang India Today, Ấn Độ kỳ vọng con tàu được hoàn thành vào năm 2026.
Tàu lặn “MATSYA 6000” đang được phát triển. (Ảnh: Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ).
Ông Kiren Rijiju, Bộ trưởng Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, vào đầu tuần này cho biết một khi được đưa vào hoạt động, tàu lặn sẽ đưa 3 người xuống độ sâu 6 km trong sứ mệnh mang tên "Samudrayan", đồng thời khẳng định chuyến đi này sẽ không làm xáo trộn hệ sinh thái đại dương.
Thông tin về sứ mệnh biển sâu được công bố không lâu sau khi tàu vũ trụ của Ấn Độ đáp thành công xuống gần cực Nam mặt trăng hôm 23-8.
Với thành tựu này, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới đưa tàu vũ trụ đáp xuống mặt trăng.
Đến ngày 2-9, nước này phóng thành công tàu vũ trụ Aditya-L1 trong sứ mệnh nghiên cứu mặt trời đầu tiên của mình.