Đâu là lời giải cho hình thù "quái dị" của những loài cá sống dưới vùng biển sâu?

  •   4,52
  • 652

Các loài cá biển sâu đã phát triển những đặc điểm độc đáo để phát triển được trong môi trường sống khắc nghiệt.

Nhiều loài cá ẩn nấp dưới đáy đại dương có vẻ ngoài giống những nhân vật phản diện ngoài hành tinh trong phim kinh dị với hàm răng khổng lồ, cơ thể phát sáng trong bóng tối và nhãn cầu lồi. Nhưng tại sao những con cá này lại có những đặc điểm khác lạ như vậy?

Trên thực tế, vẻ ngoài kỳ lạ của cá biển sâu phần lớn phản ánh môi trường khắc nghiệt mà chúng sinh sống. Bắt đầu từ độ sâu 200 mét bên dưới bề mặt hầu hết các đại dương, chỉ có một ít ánh sáng có thể chiếu tới được, hoặc thậm chí không có.

Loài cá rồng Sloane (Chauliodus sloani).
Loài cá rồng Sloane (Chauliodus sloani).

Ngoài ra, khu vực này có hệ thống áp suất cao, lượng thức ăn thấp và lạnh hơn nhiều so với phần còn lại của đại dương, với nhiệt độ trung bình chỉ trên mức đóng băng là 4 độ C.

Nhà sinh vật học về cá - Mary McCarthy - hiện đang làm việc tại Thủy cung Vịnh Monterey ở California, cho biết: “Biển sâu là một nơi thực sự khắc nghiệt để tồn tại, vì vậy rất nhiều loài động vật đã thực sự phải thay đổi để thích nghi với một số đặc điểm của môi trường đó".

Khan hiếm cơ hội tìm kiếm thức ăn, cá biển sâu đã phát triển những đặc điểm giúp chúng bắt được con mồi, và một trong những đặc điểm đáng sợ nhất chính là bộ răng khổng lồ của chúng.

Ví dụ, loài cá rồng Sloane (Chauliodus sloani) có những chiếc răng nanh lớn đến mức nó không thể ngậm miệng lại, nếu không có thể sẽ tự làm thủng não chính mình. Bên cạnh đó, những chiếc răng sắc như dao cạo này cũng trong suốt, điều này giúp chúng giấu "vũ khí" của mình khỏi con mồi.

Loài cá chình bồ nông với phần miệng rộng "bất thường"
Loài cá chình bồ nông với phần miệng rộng "bất thường".

Các loài cá biển sâu khác như cá chình bồ nông (Eurypharynx pelecanoides) có một cấu trúc miệng đặc biệt, khi căng ra, miệng của chúng sẽ chiếm phần lớn cơ thể để chúng có thể bắt và nuốt những con cá đang trôi nổi trong làn nước biển.

Một số loài săn mồi dưới biển sâu còn có có vũ khí bí mật khiến chúng trở thành nam châm thu hút con mồi: phát quang sinh học - hay khả năng tự tạo ra ánh sáng. Ví dụ điển hình cho đặc điểm này là loài anglerfish - một loại cá xuất hiện trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Đi tìm Nemo" được phát hành năm 2003.

Những sinh vật gây ác mộng này dụ dỗ con mồi bằng cách sử dụng ánh sáng phát ra từ chiếc que gắn trên đầu chúng, tương tự như mồi ở đầu cần câu. Ánh sáng này có thể thu hút con mồi một phần vì các sinh vật biển khác nghĩ rằng chúng sắp nuốt chửng một sinh vật phát quang nhỏ (trong khi thực sự chúng sắp trở thành bữa ăn).

Loài anglerfish với khả năng phát sáng sinh học.
Loài anglerfish với khả năng phát sáng sinh học.

Nhưng thu hút con mồi không phải là lợi thế duy nhất của phát quang sinh học, điều này có thể thấy ở hơn 75% cá biển sâu. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Nature vào năm 2017 của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey, một số loài cá biển sâu, chẳng hạn như cá rìu khổng lồ (Argyropelecus gigas), có thể mờ và sáng để phù hợp với ánh sáng xung quanh, sử dụng phát quang sinh học làm cơ chế che giấu để ẩn náu khỏi kẻ thù.

Cá giọt nước thay đổi hình dáng khi lên bờ.
Cá giọt nước thay đổi hình dáng khi lên bờ.

Một đặc điểm chung khác của cá ở vùng biển sâu là sự yếu đuối. Nằm ở vùng biển bên ngoài Australia và Tasmania, cá giọt nước (Psychrolutes marcidus) sống ở độ sâu từ 600 đến 1.200 mét, nơi áp suất có thể lớn hơn 100 lần so với áp suất trên bề mặt biển.

Để tồn tại trong áp lực đè nặng này, cá giọt nước đã thích nghi bằng một cơ thể đặc biệt mềm mại, không có bộ xương chắc khỏe. Đó là lý do tại sao khi cá giọt nước được đưa lên mặt nước, nó xẹp xuống, biến thành một sinh vật "sền sệt" với khuôn mặt luôn cau có - ngoại hình khiến nó được mệnh danh là "động vật xấu nhất thế giới" vào năm 2013.

Cập nhật: 06/09/2023 PNVN
  • 4,52
  • 652