Siêu bão ở Ấn Độ Dương ảnh hưởng đến Việt Nam

Thêm một dấu hiệu bất thường của thời tiết năm nay khi siêu bão ở Ấn Độ Dương sẽ ảnh hưởng đến thời tiết nước ta nội hôm nay hoặc ngày mai, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (DBKTTV) cho biết.

Theo đó, siêu bão đã suy tàn này kết hợp với một diễn biến thời tiết địa phương gây mưa trên hầu khắp cả nước ta từ cuối tuần trước đến đầu tuần này.

Siêu bão mang tên NARGIS mạnh cấp 14-15. Xuất hiện trên Vịnh Bengal thuộc Ấn Độ Dương, phía tây Việt Nam, nó đổ bộ vào Myanmar ngày 3/5 làm ít nhất 351 người chết và 75% nhà cửa ở thủ đô Rangoon bị phá hủy và gây mất điện trên toàn thành phố.

Do tầm hoạt động quá rộng lớn, bão NARGIS hút dải thấp xích đạo từ tận nam bán cầu và kéo nó lên phía bắc. Sự di chuyển nhanh của dải thấp xích đạo này khiến mùa mưa ở Nam Bộ và Tây Nguyên đã bắt đầu, sớm hơn nửa tháng so với trung bình nhiều năm, và nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia khí tượng thủy văn trong nước cũng như quốc tế.

Nhiều nơi ở Nam Bộ và Tây Nguyên xảy ra mưa lớn trên diện rộng gây úng ngập nhiều nơi. TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTV nhận xét đó là “dấu hiệu bất thường”.

Không dừng ở đó, tàn dư bão NARGIS đang tiến về phía tây Bắc Bộ của nước ta. Khi đó, nó sẽ kết hợp với một bộ phận không khí lạnh di chuyển từ lục địa Trung Quốc xuống gây ra một đợt mưa rào trên diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong hai ngày đầu tuần, khoảng từ 5 - 6/5.

Vòi rồng - Ảnh chụp tại Cảng Rạch Giá ngày 2/10/2003


Cuối tuần, cơn bão thứ hai

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Trung hạn châu Âu, khoảng cuối tuần này, tức vào 11-12/5, nhiều khả năng sẽ hình thành một cơn bão thứ hai trong năm 2008 ở khu vực ngoài khơi Philippines.

Hiện chưa thấy trung tâm báo bão nào khẳng định liệu cơn bão này có di chuyển vào khu vực Biển Đông hay không. Tuy nhiên, các phân tích khí tượng trong và ngoài nước đều nhận định sự xuất hiện sớm của bão như cảnh báo của các nhà khí tượng Việt Nam và thế giới đang trở thành hiện thực.

Theo đó, năm 2008, sẽ có khoảng 33 cơn bão, trong đó khoảng 19 cơn bão mạnh xuất hiện ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Vẫn theo người đứng đầu Trung tâm DBKTTV, hiện tượng La Nina bắt đầu xuất hiện từ mùa thu năm ngoái đã phát triển mạnh nhất vào các tháng cuối năm 2007.

Sang đầu năm 2008, La Nina bắt đầu suy yếu và, từ tháng 3, nó suy yếu nhanh mà biểu hiện rõ nét nhất là nhiệt độ mặt biển lạnh hơn ở vùng trung tâm nhưng lại ấm hơn ở vùng cực đông xích đạo Thái Bình Dương.

“Những chẩn đoán khí hậu mới nhất cho thấy có đến năm trong số sáu mô hình dự báo của Úc, Ấn Độ, Indonesia, Hongkong v.v..., thống nhất hiện tượng ENSO (tức là trung gian giữa El Nino và La Nina) đang quay lại trong mùa hè 2008, tạo điều kiện tốt cho mưa bão phát triển bất thường” - TS Bùi Minh Tăng nhận định.

Đón một mùa mưa bão mạnh hơn bình thường?

Được hỏi: “Vậy mùa mưa bão năm nay so với các năm khác rốt cuộc có khả năng diễn biến ra sao?” - TS Tăng cho rằng, một mùa mưa bão và lũ mạnh mẽ hơn mức bình thường rất có khả năng xảy ra ở nước ta trong năm 2008. “Điều này không chỉ các nhà khí tượng của Việt Nam, mà nhiều nước trong khu vực và quốc tế cũng có chung nhận định như vậy” - TS Tăng nói tiếp.

Theo dự báo mới nhất của các chuyên gia khí tượng Hongkong, trong số 33 cơn bão xuất hiện ở Tây Thái Bình Dương năm nay, sẽ có 19 cơn bão mạnh từ cấp 10 trở lên. Đáng chú ý, họ đoán khoảng sáu đến tám cơn bão mạnh sẽ hướng vào bờ biển Việt Nam.

Phân tích của các giáo sư hàng đầu Đại học Hương Cảng bổ sung thêm suy đoán, sau một năm La Nina phát triển mạnh, vùng Tây Bắc Thái Bình Dương hầu chắc đón nhận mùa mưa bão bất thường.

Nghiên cứu từ năm 2000 đến nay của các nhà khí tượng Johnny C.L.Triền, Cù Ân Thi, Cheuk-man Lam (Đại học Hương Cảng, Trung Quốc) chỉ rõ, trong 12 năm có hiện tượng La Nina, có đến sáu năm bão cao bất thường) và hai năm dưới bình thường. Các năm bão cao bất thường này xảy ra ngay ở năm liền kề với năm có La Nina.

Điều đó có nghĩa là, sau khi La Nina suy yếu vào tháng 3 vừa qua, khả năng mùa mưa bão bất thường có thể lặp lại theo quy luật. TS Bùi Minh Tăng cho rằng, sự bất thường đó đã thấy biểu hiện khá rõ nét ở Việt Nam.

“Bằng chứng là ngay trong tháng 1/2008 đã có hai áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở nam Biển Đông và gây mưa lớn trái mùa ở Trung Bộ, Nam Bộ. Cứ cho rằng hai áp thấp nhiệt đới đó là số còn sót lại của mùa bão năm 2007 nhưng, ngay giữa tháng 4, xuất hiện cơn bão rất mạnh trên Biển Đông (cơn bão số 1) cho thấy mùa bão đến sớm và khác thường”.

QD (Tiền Phong Online)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video