"Siêu năng lực" cảm nhận ánh sáng của bạch tuộc

Theo nghiên cứu vừa được công bố, nhiều loài bạch tuộc có thể cảm nhận và phản ứng với ánh sáng, ngay cả khi chúng không thể nhìn thấy bằng mắt.

Tiến sĩ Nir Nesher - giảng viên cao cấp về khoa học biển tại Viện Hàn lâm Ruppin (Israel) - cho biết bạch tuộc không có xương và khớp. Mọi điểm trên xúc tu của chúng đều có thể di chuyển linh hoạt đến mọi hướng mà Nir Nesher gọi là "sự tự do vô tận".

Theo New York Times, mới đây nhóm phát hiện bạch tuộc có khả năng tránh né ánh sáng chỉ bằng chính các xúc tu này. Tiến sĩ Itamar Katz - một trong tác giả nghiên cứu - cho biết trong rất nhiều thí nghiệm của nhóm, chỉ cần một tia sáng chiếu vào một trong tám xúc tu của bạch tuộc, chi đó sẽ cử động rời khỏi ánh sáng ấy tức khắc.

Cơ chế này xảy ra ngay cả khi bạch tuộc đang ngủ, tức cảm nhận ánh sáng không cần mắt. Kết quả được đăng trên tạp chí khoa học Journal of Experimental Biology.

Nhóm nghiên cứu làm một số thí nghiệm, trong đó để bạch tuộc vào một hộp nhỏ, chỉ hở một lỗ phía trên cho một xúc tu ra vào. Nhiệm vụ của xúc tu này là lấy mẫu thức ăn đang được chiếu sáng.

Nhóm nhận thấy khi xúc tu chạm phải ánh sáng, chúng lập tức tránh trong chưa đầy 1 giây và chờ thời cơ khác để tiếp cận miếng ăn. Khi tia sáng ngưng hoạt động, bạch tuộc lập tức đoạt lấy chiến lợi phẩm.


Xúc tu lập tức rút khỏi ánh sáng trong thí nghiệm.

Theo tiến sĩ Nesher, đây là một năng lực bất ngờ. "Bạch tuộc như có thể nhìn thấy ánh sáng bằng xúc tu. Chúng quả thật không cần mắt để làm điều đó", Nesher nhấn mạnh.

Tốc độ phản ứng với ánh sáng của các xúc tu không giống nhau. Nhóm nghiên cứu cho rằng khi bạch tuộc sống trong bóng tối một tuần hoặc một tháng, phản xạ sẽ nhanh hơn.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, khả năng cảm nhận và thích ứng với ánh sáng này có thể sử dụng rất nhiều năng lượng, bởi đây là hành vi quan trọng với sự sống của chúng.

Tiến sĩ Tal Shomrat lý giải khả năng phản xạ này là cách bạch tuộc bảo vệ các chi khỏi một số loài như cua, cá… Bởi khi thấy xúc tu chuyển động theo ánh sáng, những loài đó có thể lầm tưởng đó chỉ là một con sâu biển.

Tuy nhiên, cơ chế nào để xúc tu phát hiện và phản ứng với ánh sáng vẫn còn nhiều điểm chưa được làm rõ. Theo nhóm nghiên cứu, đã có tài liệu cho thấy trong các chi của bạch tuộc có các thụ thể cảm nhận ánh sáng, tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng nào chỉ ra sự liên quan của chúng đến khả năng phản xạ này.


Vẫn còn nhiều bí ẩn trong cơ thể của bạch tuộc - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Nhóm cho biết thêm trong các thí nghiệm giải phẫu, các xúc tu của bạch tuộc không còn khả năng né tránh ánh sáng khi tách khỏi cơ thể.

Ngoài ra, khi xúc tu bị lột da, phản xạ tránh ánh sáng của bạch tuộc vẫn tồn tại. Nhưng nếu phần da này bị tổn thương sâu ảnh hưởng đến một số cơ bên dưới, chúng lại mất khả năng phản xạ.

Cập nhật: 24/02/2021 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video