Siêu vi C còn nguy hiểm hơn cả siêu vi B

Trong một nghiên cứu gần đây nhất đối với tất cả bệnh nhân nhiễm vi-rút viêm gan C điều trị nội và ngoại trú tại bệnh viện Chợ Rẫy, BS Bành Vũ Điền, Trưởng khoa Viêm gan BV Chợ Rẫy, cảnh báo tỷ lệ ung thư gan do viêm gan siêu vi C cao hơn và nhanh hơn so với siêu vi B.

85% bệnh viêm gan do siêu vi C sẽ chuyển sang mạn tính. Một bệnh nhân viêm gan đang điều trị tại BV Chợ Rẫy. (Ảnh: VNN)

Trong khi đó, ở VN hiện chỉ có thuốc chích ngừa viêm gan siêu vi B chứ chưa có thuốc ngừa viêm gan siêu vi C.

Khoảng 15 - 40% dân số Việt Nam phơi nhiễm siêu vi C, trong đó ước tính, 85% các trường hợp viêm gan siêu vi C phát triển thành mạn tính. Nếu không điều trị, sau 20 - 30 năm, 20% trong các bệnh viêm gan mạn tính sẽ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.

Viêm gan siêu vi C: Rất dễ lây nhiễm

Năm 2005, phòng khám khoa Viêm gan đã tiếp nhận 1.794 bệnh nhân viêm gan do siêu vi C, chiếm 19% so với tổng số các bệnh nhân đến khám vì các bệnh viêm gan do các nguyên nhân khác.

Trong khi chỉ có 94 bệnh nhân trong tổng số 4.000 bệnh nhân viêm gan siêu vi B phải nhập viện điều trị nội trú thì đến hơn 350/1.794 bệnh nhân phải nhập viện vì các tổn thương gan trầm trọng và vĩnh viễn do viêm gan siêu vi C.

Trước đây, người dân thường bỏ qua và không đi làm các xét nghiệm máu. Hiện nay, đời sống kinh tế phát triển, người dân ý thức và quan tâm đến vấn đề sức khỏe của bản thân nhiều hơn. Vì vậy, gần đây, tỷ lệ phát hiện viêm gan do siêu vi C tăng lên nhiều so với 5 năm về trước.

Tuy nhiên, đời sống kinh tế ngày càng phát triển, càng nhiều người có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp. Người dân đến các thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp, đặc biệt là xâm môi - mắt ở những nơi không bảo đảm vấn đề vô trùng, cũng rất dễ lây nhiễm viêm gan C.

Bên cạnh đó, bệnh nhân được chạy thận lâu dài cũng cần phải làm những xét nghiệm để tầm soát siêu vi viêm gan C. Theo nguyên tắc, mỗi bệnh nhân chạy thận phải thay một màng lọc mới. Nhưng trong điều kiện hiện nay, nhiều cơ sở phải dùng lại màng lọc. Tuy có thể sử dụng kỹ thuật thanh vô trùng màng lọc, với thời gian chạy thận thường kéo dài đến suốt đời nên nguy cơ lây nhiễm siêu vi C rất cao do chạy thận có điều kiện tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với máu.

Triệu chứng không rõ rệt

Với viêm gan siêu vi B, hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng. Còn với bệnh viêm gan siêu vi C thường không có triệu chứng bệnh rõ rệt.

Một vài người chỉ có các triệu chứng giống bị cảm, như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, cảm cúm, yếu người, đau khớp và đau bụng nhẹ.

Các triệu chứng ít phổ biến hơn như: nước tiểu sậm màu, vàng mắt, vàng da. Viêm gan siêu vi C thường được tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi cho máu.

Một người đã bị nhiễm siêu vi viêm gan C, có thể lây cho những người khác ngay trong 2 tuần lễ đầu. Vì vậy, BS Bành Vũ Điền nhấn mạnh, xét nghiệm để kiểm tra là một điều quan trọng. Nhiều người bị nhiễm siêu vi ở dạng tiềm ẩn, xét nghiệm máu là phương pháp duy nhất để phát hiện bệnh.


Trong ảnh là một người đang giác lưng để trị cảm.
Đây cũng là một nguy cơ lây nhiễm siêu vi C (Ảnh: BS B.V.Điền)

Nên phát hiện sớm để trị

Viêm gan siêu vi C có thể điều trị tốt nếu chưa ở giai đoạn sơ gan.

Phần lớn khi bệnh nhân phát hiện viêm gan do siêu vi C đã quá trễ so với giai đoạn điều trị tốt. Bệnh nhân thường đã giai đoạn bệnh xơ gan, hay xơ gan mất bù (tức là bụng báng có chứa nước, chân phù).

Đến giai đoạn này, điều trị vừa chi phí cao vừa kém hiệu quả. Trong nhiều ca bệnh nặng, nếu phải ghép gan, người bệnh phải chi trả hàng tỷ đồng nhưng hiệu quả không cao và bệnh có thể tái phát.

Tuy nhiên, theo BS Điền cho biết, hiện nay, ghép gan người lớn ở Việt Nam chưa thể thực hiện trong một tương lai gần.

"Thứ nhất, đây là một phẫu thuật rất tốn kém, vì thuốc uống sau ghép rất đắt tiền. Hơn thế nữa, Luật Hiến mô tạng Việt Nam mới chỉ cho phép người trong gia đình hiến tặng. Nhưng nếu trong gia đình có một người mắc bệnh thì thường những lá gan trong cả gia đình đều có vấn đề vì nguy cơ bị lây nhiễm cao", BS Điền giải thích.

Ăn uống thích hợp: Giảm nguy cơ cho gan

Siêu vi viêm gan C là siêu vi gây tổn thương gan.

Thông thường bệnh sẽ diễn tiến dần dần chậm chạp trong khoảng thời gian từ 20 - 30 năm để cuối cùng dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này. Trong đó, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng nhất đến tiến triển của bệnh vì tất cả thức ăn và đồ uống đều đi qua gan để chuyển hóa.

Từ cuộc nghiên cứu về các bệnh nhân viêm gan siêu vi C, BS Bành Vũ Điền nhận thấy, nam giới ở tuổi trên 40 tuổi nhiễm siêu vi viêm gan C chiếm tỷ lệ cao hơn. Ngoài ra, những người có sử dụng trên 50g rượu mỗi ngày, thời gian diễn tiến bệnh viêm gan do siêu vi C thường bị đẩy đi nhanh hơn.

Không riêng người nghiện nặng mà sự tàn phá gan cũng có thể xảy ra với những trường hợp dùng rượu với tính chất "giao tế xã hội". Thay vì viêm gan mạn tính chuyển sang xơ gan và ung thư gan là từ 20 - 30 năm, thời gian của người hay uống rượu chỉ còn lại từ 5 - 10 năm.

Hàng ngày, người bị bệnh gan mạn tính còn phải tránh dùng nhiều sắt từ các loại thịt có màu đỏ, gan động vật, thậm chí không nên sử dụng nồi, niêu, soong, chảo bằng sắt để nấu ăn. Một chế độ ăn thông thường có chứa khoảng 10 - 20mg sắt và cơ thể chỉ hấp thu từ 1 - 2mg sắt/ngày. Lượng sắt thừa có thể gây tổn thương gan thêm, thậm chí còn làm giảm mức độ đáp ứng của bệnh nhân trong thời gian điều trị.

Xẹo xơ tiến triển của gan có thể đưa đến tích tụ dịch bất thường ở ổ bụng gây ra báng bụng hay còn được gọi là cổ trướng.

Nếu bệnh nhân bị viêm gan C có báng bụng, chỉ cần 1 mg muối đưa vào cơ thể, kết quả 200ml dung dịch sẽ được tích tụ trong cơ thể. Lượng muối đưa vào cơ thể nên ít hơn 1g/ ngày.

Do siêu vi C thường tạo cảm giác chán ăn, người bệnh nên ăn làm nhiều bữa nhỏ, uống đủ nước và tập thể dục nhẹ để ăn ngon hơn và dung nạp thức ăn dễ hơn. Điều quan trọng trước nhất, người bệnh phải được tham vấn với bác sĩ trước bất cứ một chế độ ăn nào và một chương trình tập thể dục.

Hương Cát

Theo VietNamnNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video