Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia phát hiện nơi đáy biển sâu nhất của Thái Bình Dương hiện diện một loài sinh vật bí ẩn đang ngốn ngấu carbon dioxide.
Trong khi cả thế giới đang khủng hoảng vì lượng khí thải carbon dioxide (CO2) toàn cầu ngày một tăng, ở nơi sâu nhất Trái đất có hàng đàn "quái vật" háu ăn có khả năng ngốn ngấu tới 10% lượng CO2 thải ra trong đại dương.
Thái Bình Dương - (ảnh minh họa từ Internet).
Nhóm nghiên cứu đến từ Hàn Quốc, Đức và Anh đã phát hiện sinh vật này trong quá trình nghiên cứu hệ sinh thái khu vực Clarion-Clipperton Fracture Zone(CCFZ), một khe vực dài tới 4 km dưới đáy Thái Bình Dương.
Đó là những vi khuẩn lạ lùng và háu ăn, với món khoái khẩu là CO2, chủ yếu đến từ các chất hữu cơ lắng đọng xuống đáy biển sâu như cá chết, sinh vật phù du và các dạng mảnh vụn hữu cơ khác.
Giáo sư Andrew K. Sweetman đến từ Trung tâm Khoa học và Công nghệ Trái đất và Khoa học Biển tại Đại học Heriot-Watt (Edinburgh, Anh) cho biết các vi khuẩn này đã chiếm hữu một lượng CO2 lớn và đồng hóa chất này vào sinh khối của chúng thông qua một quá trình kỳ lạ và chưa thể xác định.
Sau đó, chính vi khuẩn này trở thành một nguồn thức ăn bổ dưỡng cho các sinh vật biển sâu, ngay trên vùng đất thăm thẳm mà trước đó nhóm nghiên cứu nghĩ rằng không có sinh vật nào sống nổi.
Nếu vi khuẩn này được trải khắp đáy đại dương toàn cầu, chúng có thể "ăn" tới 200 triệu tấn CO2 mỗi năm, tương đương với 10% CO2 mà các đại dương thải ra, trở thành một phần quan trọng để chu trình carbon biển sâu được hoạt động cân bằng. Họ đã khảo sát thêm vài điểm cách nhau hàng trăm cây số và cũng tìm được loài vi khuẩn tương tự.
Trong bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học Limnology and Oceanography, nhóm tác giả cho biết họ vẫn đang tiếp tục tìm hiểu sâu hơn nữa hệ sinh thái kỳ lạ ở các vùng biển này, hy vọng từ đó có thể khai thác được các ứng dụng có lợi cho môi trường sống.
Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu khác cũng phát hiện nhóm vi khuẩn sống trong một hồ nằm sâu bên dưới dải băng Tây Nam Cực đang "ăn" khí methane, một loại khí nhà kính đang đe dọa khí hậu. Nhờ những vi khuẩn này, lượng methane xâm nhập vào nước và thoát ra khí quyển được hạn chế tối đa.
Thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng chóng mặt của các dạng khí thải độc hại, đe dọa môi trường sống muôn loài nên giới khoa học rất kỳ vọng những phát hiện nói trên có thể tạo ra cách hạn chế khí thải đột phá bằng các liệu pháp sinh học an toàn và bền vững.