Một sinh viên 22 tuổi người Canada bất ngờ phát hiện 4 hành tinh mới, trong đó hai hành tinh có kích thước gần giống Trái Đất và một hành tinh nằm trong khu vực có thể tồn tại sự sống.
Theo Tech Times, nữ sinh viên Michelle Kunimoto ở Đại học British Columbia (UBC), Canada, được giao bài tập phân tích dữ liệu về những đường cong ánh sáng khác nhau do kính viễn vọng Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập. Nhiệm vụ của Kunimoto là tìm kiếm thông tin mới mà các nhà nghiên cứu có thể bỏ sót.
So sánh kích thước 4 hành tinh do Michelle Kunimoto phát hiện với sao Hải Vương, Trái Đất và sao Thủy. (Ảnh: UBC).
"Ngôi sao chỉ là một chấm sáng nhỏ, do đó tôi xem xét những lần ánh sáng của ngôi sao giảm đi mỗi khi có một hành tinh đi ngang qua phía trước nó", Kunimoto cho biết.
Jaymie Matthews, thành viên hội đồng quản lý Kepler đồng thời là giáo sư thiên văn của Kunimoto ở trường đại học, cho biết các nhà nghiên cứu không tìm hiểu kỹ hơn thông tin ông giao cho Kunimoto bởi chúng thường chỉ ra kết quả sai. Tuy nhiên, Matthews tin chắc 4 hành tinh do Kunimoto tìm ra sẽ sớm được xác nhận.
Michelle Kunimoto và giáo sư thiên văn Jaymie Matthews. (Ảnh: Martin Dee).
Hai trong số 4 hành tinh mà Kunimoto phát hiện có kích thước tương tự Trái Đất, trong khi một hành tinh khác lớn hơn sao Thủy đôi chút. Hành tinh thứ tư có tên Kepler Object of Interest (KOI) 408.05, lớn gần bằng sao Hải Vương.
KOI-408.05 là hành tinh gây chú ý nhất bởi nó nằm trong khu vực có thể tồn tại sự sống tính từ ngôi sao mẹ. Đây có thể là ứng viên tiềm năng để tìm ra nước lỏng và dấu hiệu của sự sống ngoài Trái Đất. Hành tinh này ở cách Trái Đất khoảng 3.200 năm ánh sáng. Theo Kunimoto, xung quanh KOI-408.05 có thể là một số mặt trăng lớn hơn các hành tinh của hệ Mặt Trời và nhiều khả năng một trong số đó chứa đại dương nước lỏng.