Các đội cứu hộ và quân đội Indonesia đã tiếp cận các vùng bờ biển, với hy vọng tìm thấy những người sống sót sau thảm họa sóng thần kích hoạt từ núi lửa. Hiện tại, số người chết đã lên tới ít nhất 373 người.
Vào tối thứ 7 ngày 22/12/2018, núi lửa Anak Krakatau bất ngờ hoạt động, một phần miệng núi lửa và dung nham đổ xuống biển tạo ra các vết đứt gãy địa chất, kết hợp với thủy triều lên cao kích hoạt cơn sóng thần đập vào các khu vực ven biển, ở hai bên eo biển Sunda giữa các đảo Sumatra và Java.
Hiện tại, các nhân viên cứu hộ đã sử dụng máy móc hạng nặng và tay trần để đào các thi thể ra khỏi bùn và đống đổ nát, dọc theo bờ biển phía tây Java dài 100km.
Các nhân viên cứu hộ đang tiếp cận tại các bờ biển của Java và Sumatra để tìm kiếm những người sống sót sau thảm họa sóng thần.
Hơn 1.459 người bị thương và khoảng 12.000 cư dân phải di chuyển lên vùng đất cao hơn, với cảnh báo thủy triều cao kéo dài đến thứ Tư tới.
"Ít nhất 373 người đã chết, trong khi 128 người hiện đang mất tích", ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Thảm họa thiên tai Indonesia cho biết vào tối thứ Hai.
Trận sóng thần hôm thứ Bảy đã phá hủy hơn 700 tòa nhà, từ các cửa hàng nhỏ và nhà ở đến biệt thự, khách sạn và không có cảnh báo sớm nào được đưa ra cho những người sống trên bờ biển.
Những con sóng cao đã cô lập hàng trăm người trên đảo Sebesi, cách núi lửa khoảng 12km.
Tổng thống Joko Widodo đã nói với các cơ quan quản lý, giảm nhẹ thảm họa Indonesia rằng, cần gấp rút để cài đặt các hệ thống cảnh báo sớm, nhưng các chuyên gia nói rằng, không giống như sóng thần gây ra bởi trận động đất, rất khó để thực hiện việc cảnh báo sóng thần từ núi lửa gây ra, bởi quá trình này kích hoạt từ dưới đáy đại dương.
Không những thế, các máy xúc đang được sử dụng để di chuyển các mảnh vỡ bê tông cốt thép, mì gói, nhu yếu phẩm, thuốc thang được gửi đến cho người bị nạn. Quân đội, các nhóm cảnh sát và binh lính đã và đang đến đến các khu vực hẻo lánh.
Một đội cứu hộ đã sử dụng những con chó đánh hơi để tìm kiếm những người sống sót tại câu lạc bộ bãi biển, nơi sóng thần cuốn trôi một sân khấu ngoài trời, nơi ban nhạc rock Seventeen của Indonesia đang biểu diễn trong một bữa tiệc có khoảng 200 khách.
Tại một ngôi làng cách đó 20 km, quận trưởng Atmadja Suhara cho biết, ông đang hỗ trợ chăm sóc 4.000 người tị nạn, nhiều người trong số họ hiện đang vô gia cư.
"Mọi người vẫn đang trong tình trạng hoảng loạn", ông nói.
"Chúng tôi thường gặp thảm họa, nhưng không tồi tệ như thế này".