Mọi người đều biết rằng trứng là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng và có cách chế biến đa dạng.
So sánh dinh dưỡng trong các loại trứng
Trong cuộc sống, chúng ta thường bắt gặp nhiều nhất là các loại trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng, trứng cút, trứng chim bồ câu. Từ các loại cơ bản này cũng sinh ra vô số phiên bản chế biến khác nhau như trứng lộn, trứng muối, trứng nướng... đều là những món ngon tuyệt.
Nhưng, đi sâu về bản chất dinh dưỡng, thì sự khác nhau giữa các loại trứng này là gì?
Không có sự khác biệt nhiều giữa các loại trứng gia cầm.
Protein
Qua so sánh, các nghiên cứu về cơ bản cho thấy không có sự khác biệt nhiều giữa các loại trứng gia cầm, với hàm lượng protein chứa bên trong hầu hết ở mức 13g/100g. Loại có hàm lượng protein thấp nhất là trứng gà, với giá trị là 12g/100g; loại có hàm lượng protein cao nhất là trứng chim bồ câu, nhưng cũng chỉ khoảng 14g/100g.
Do đó, có rất ít sự khác biệt về dinh dưỡng giữa các sản phẩm trứng khác nhau, vì vậy người tiêu dùng không cần phải theo đuổi tiêu chí này quá mức chặt chẽ.
Chất béo
Hàm lượng chất béo trong các loại trứng khác nhau có sự chênh lệch, nhưng không quá đáng kể. Cụ thể, hàm lượng chất béo trong trứng vịt là nhiều nhất (14 g/100 g) và trứng gà ít chất béo nhất (8,8 g/100 g).
Vitamin
So với các loại trứng khác thì trứng gà có nhiều vitamin D nhất.
Bằng cách so sánh một số sản phẩm trứng, người ta nhận thấy rằng có thể có sự khác biệt lớn về hàm lượng của một số loại vitamin nhất định.
Về vitamin D, trứng gà chứa nhiều nhất với hơn 80 đơn vị IU, cao hơn gần 30% so với các sản phẩm trứng khác.
Nhưng so sánh vitamin B12, thì lượng vitamin B12 chứa trong trứng vịt và trứng ngỗng lại cao hơn một chút.
Ngoài ra, vitamin A, vitamin E và vitamin K không có sự khác nhau nhiều trong các sản phẩm trứng.
Về tổng thể, lượng trứng và các sản phẩm từ trứng được tiêu thụ trung bình trong một ngày khá hạn chế, do đó bản thân chúng không phải là nguồn thực phẩm giàu vitamin được khuyên dùng.
Khoáng chất vi lượng
Liều lượng chất dinh dưỡng có trong các sản phẩm trứng khác nhau có rất ít sự khác biệt.
Nhiều người quan tâm đến hàm lượng sắt có trong trứng gà, nhưng thực tế lượng sắt trong trứng gà rất ít (1,8 mg/ 100 g), các loại trứng khác cũng tương tự.
Nhưng đối với canxi, hàm lượng canxi trong một số sản phẩm trứng vào khoảng 60 mg/100 g, cho thấy tác dụng bổ sung khá lớn.
Riêng kẽm, trừ trứng gà tây có hàm lượng cao hơn, các loại trứng khác hầu như đều giống nhau ở mức thấp, khoảng 1,3-1,6%.
Tóm lại, liều lượng của các chất dinh dưỡng có trong các sản phẩm trứng khác nhau có rất ít sự khác biệt. Dù đó là trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng, hay trứng chim cút, trứng chim bồ câu, thậm chí cả trứng đà điểu. Chúng không có sự khác biệt quá lớn về hàm lượng các loại chất dinh dưỡng.
Những tin đồn trên Internet
Trên thực tế, giá cả của các loại trứng không liên quan gì đến giá trị dinh dưỡng.
Nhiều tuyên bố trên mạng nói rằng: "ăn trứng gà có thể chữa bệnh cao huyết áp", "ăn trứng cút có thể ngăn ngừa bệnh hen suyễn", hay "trứng ngỗng có thể xóa tàn nhang"... tất cả đều là các thông tin không đáng tin cậy.
Nhưng tại sao một số loại trứng lại được bán đắt hơn? Trên thực tế, giá cả của các loại trứng không liên quan gì đến giá trị dinh dưỡng, mà do chi phí chăn nuôi những loại gia cầm này quá cao, hoặc chúng có sản lượng thấp.
Các nhóm người khác nhau nên ăn trứng như thế nào?
Đối với những người khỏe mạnh nên ăn trung bình 1 quả trứng (khoảng 50 gam) mỗi ngày.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bình thường nên ăn trứng điều độ, còn một số nhóm đặc biệt có thể ăn nhiều trứng hơn.
Ví dụ, đối với những người khỏe mạnh, trên cơ sở đảm bảo cung cấp đủ lượng protein chất lượng cao từ thịt và sữa, nên ăn trung bình 1 quả trứng (khoảng 50 gam) mỗi ngày, hoặc các loại trứng khác có trọng lượng tương đương.
Còn với bà mẹ mang thai, cho con bú, người đang muốn tạo dựng cơ bắp, người vận động nhiều hàng ngày, trẻ em độ tuổi đi học (thanh thiếu niên) đang lớn và phát triển, trên cơ sở không có vấn đề về lipid máu và huyết áp, lượng trứng có thể được tăng lên một cách thích hợp. Lượng tiêu thụ có thể từ 2 tới 3 quả mỗi ngày.
Cần chú ý những điểm gì khi ăn trứng?
Lòng đỏ chứa nhiều dinh dưỡng hơn lòng trắng.
Điều quan trọng nhất là cần chú ý đến lòng đỏ trứng và cố gắng ăn cả quả trứng.
Một số người lo lắng về lượng cholesterol có trong lòng đỏ trứng, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy "ăn nhiều cholesterol sẽ gây hại cho cơ thể". Các hướng dẫn về chế độ ăn uống ở nhiều quốc gia đã hủy bỏ cái gọi là "giới hạn cholesterol" trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Với trứng gà, lòng đỏ tốt hơn lòng trắng, vì chứa các chất dinh dưỡng như lecithin, vitamin và khoáng chất canxi, sắt và kẽm... bao gồm cả hàm lượng lẫn tỷ lệ hấp thụ. Lòng trắng, dù có màu trắng, trên thực tế lại không nhiều canxi như mọi người vẫn lầm tưởng.
Những loại trứng nên hạn chế, ăn càng ít càng tốt
Trứng để qua đêm
Dù là loại trứng nào cũng không nên ăn sau khi để qua đêm, vì bản thân trứng là thực phẩm giàu protein. Nếu để quá lâu, một số vi khuẩn sẽ xâm nhập vào trứng và sinh sôi, vi trùng và các chất có hại cũng được sản sinh ra. Khi đó, người sử dụng rất dễ bị ngộ độc thực phẩm, không còn đảm bảo an toàn sức khỏe.
Trứng bắc thảo
Phụ nữ có thai, người già và trẻ em có tỳ dạ dày yếu thì không nên ăn trứng bắc thảo.
Trứng bắc thảo là món ăn ngon, mát, khá nổi tiếng ở Trung Quốc trong mùa hè dù chúng gây ảnh hưởng đến hấp thu, tiêu hóa thức ăn trong cơ thể nếu ăn nhiều. Vì thế, phụ nữ có thai, người già và trẻ em có tỳ dạ dày yếu thì không nên ăn.
Ngoài ra, rất khó phân biệt trứng bắc thảo trên thị trường được ngâm từ hóa chất công nghiệp hay thực phẩm. Nếu là hóa chất công nghiệp, những chất độc hại này sẽ ngấm vào trứng, tích tụ vào cơ thể khiến lượng kim loại nặng vượt ngưỡng, từ đó gây tổn thương cho gan, đặc biệt là những người bệnh thiếu gene càng dễ bị trúng độc.
Theo các chuyên gia, cách duy nhất để kiểm chứng trứng bắc thảo độc hay không là phải kiểm tra đầu vào, giám sát quá trình chế biến.