Sơn 'cận' - Nhà sáng chế 'nông dân'

Techmart 2005 - Chợ thiết bị Công nghệ quy mô quốc gia đã ghi nhận dấu ấn của 15 nhà sáng chế “nông dân”. Không được đào tạo qua trường lớp chính quy nhưng sản phẩm của các "nhà khoa học chân đất” đã làm kinh ngạc công chúng.

Một trong những sản phẩm đó là “Máy đập tước chỉ xơ dừa liên hoàn” của một nông dân thứ thiệt. Anh còn có nhiều sáng chế áp dụng trong đời sống, sản xuất như: máy kết thảm cỏ lác, máy ấp trứng gà công nghiệp bằng hơi nước, và sắp tới là máy dệt lưới chỉ xơ dừa. Đó là anh Nguyễn Ngọc Sơn, ấp Vĩnh Trị, xã Khánh Thạch Tân, Mỏ Cày, Bến Tre.

1. Đường vào ấp Vĩnh Trị lầy đất đỏ và bụi. Từ chợ Thom đi dọc theo con sông Thom khoảng gần chục cây số nữa thì mới tới được nơi "nhà khoa học chân đất" Nguyễn Ngọc Sơn đặt đại bản doanh. Bụi đất bám đầy mặt mũi nhưng rất mừng là hỏi ai cũng biết Sơn “cận”, Hai Sơn, tên bà con ấp Vĩnh Trị thường gọi anh.


Anh Nguyễn Ngọc Sơn và chiếc máy đập tước chỉ xơ dừa cải tiến.

Sơn cầm tinh con dê (1967), sinh tại Vĩnh Long. Cha mất sớm, mình mẹ anh gồng gánh bươn trải một nách nuôi ba con nhỏ phiêu dạt khắp nơi, cuối cùng, đất Mỏ Cày đã trở thành điểm dừng chân sau cùng của họ với nghề đập tước chỉ xơ dừa.

Sơn thông minh, học tương đối khá, ham mê khoa học nhưng giấc mơ học hành bị dang dở vì thi trượt ĐH Bách Khoa TP.HCM (khoa Điện tử) năm 1985. Không cam chịu, Sơn mày mò lên thị trấn ghi danh học nghề sửa chữa điện tử. Thành nghề nhưng nghề sửa chữa điện tử không thể giúp anh đủ trang trải cuộc sống, Sơn “cận” xoay sang làm đủ việc: thợ hồ, dệt thảm lác, cán bộ chi trả lương cho UBND xã Khánh Thạch Tân. Nhiều nghề nhưng mãi vẫn khó khăn, năm 1997, anh “bén duyên” với nghề đập, tước chỉ xơ dừa.

Đây là một nghề phổ biến ở các huyện Mỏ Cày, Bình Đại… (Bến Tre) và một số địa phương ở Vĩnh Long, Tiền Giang. Nguyên liệu là vỏ dừa tươi đã lọc phần quả, sản phẩm là các tấm lưới thủ công có kích thước dài 20m, rộng 1m. Mùa chỉ xơ dừa thường bắt đầu rộ từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch hàng năm.

Để tách chỉ xơ dừa, trước đây, người dân phải dùng bộ máy gồm hai chiếc của Công ty Cơ khí Công-Nông Bến Tre, phổ biến từ những năm 90 của thế kỷ trước. Một cái dùng để đập dập vỏ dừa, sau đó vỏ dừa đã dập mới được đưa vào máy tước và ra thành phẩm chỉ xơ dừa. Vận hành máy thường xuyên phải sử dụng 10 nhân công.


Máy tước chỉ xơ dừa chưa cải tiến, tốn nhiều nhân công, không đảm bảo an toàn lao động.

Để cho ra một tấn chỉ xơ dừa thành phẩm cần 6 “thiên” nguyên liệu (một “thiên” bằng 1.200 vỏ dừa). Giá nguyên liệu dao động trong khoảng 120.000-600.000đ/thiên (khoảng 20đ/vỏ dừa), giá chỉ xơ dừa thành phẩm dao động từ 1,6-4 triệu đ/tấn. Chỉ xơ dừa thành phẩm sẽ được đóng gói thành những kiện 50kg dùng để đan lưới hoặc xuất khẩu. Bình quân mỗi ngày một máy đập-tước sản xuất được 2 tấn chỉ xơ dừa thành phẩm, một tấn chỉ xơ dừa thành phẩm công là 170.000/10 người.

2. Bước ngoặt đưa Sơn từ anh nông dân thuần túy chăm chỉ làm ăn thành nhà sáng chế là một tai nạn đe dọa đến cuộc sống của anh và cả gia đình. Giữa năm 2001, cơ sở chế biến chỉ xơ dừa của anh không may xảy ra liên tiếp hai vụ tai nạn lao động. Nguyên nhân do nhân công vận hành máy tước sơ ý bị cuốn chân vào bánh răng tước chỉ xơ dừa. Cơ sở của Sơn bị Sở Lao động - Thương binh xã hội Bến Tre đề nghị rút giấy phép kinh doanh vì không đảm bảo an toàn lao động. Nếu muốn tiếp tục kinh doanh, phải có biện pháp nào đó để đảm bảo an toàn.

Đứng trước lựa chọn “sinh tử” như thế, cuối năm 2001, Sơn đã nhờ một kỹ sư của Công ty Cơ khí Công - Nông Bến Tre cải tiến giúp cái máy tước chỉ xơ dừa gây tai nạn. Ông kỹ sư cơ khí sau khi xem xét một hồi đành lắc đầu “bó tay”. Bị dồn đến chân tường, không còn cách nào khác, Sơn một mặt vừa đi học nghề thợ hàn, một mặt mày mò thiết kế, cải tiến chiếc máy tước chỉ xơ dừa của Công ty Cơ khí Công-Nông. Vẫn sử dụng động cơ máy nổ DT 75, nhưng chiếc máy mới của Sơn vận hành theo cơ chế băng chuyền động lực nhờ cải tiến các bánh răng. Và thay vì phải dùng hai máy “đập-tước” như trước thì chiếc máy tước chỉ xơ dừa cải tiến kiêm nhiệm luôn cả hai công đoạn “đập”, “tước” trong cùng một thùng. Lao động chỉ việc chuyển nguyên liệu (vỏ dừa) vào băng chuyền đầu vào. Vỏ dừa sẽ được băng chuyền cuốn vào thùng máy. Tại đây các bánh răng đã được cải tiến sẽ đồng thời làm hai nhiệm vụ đập và tước vỏ dừa. Sản phẩm sẽ được một băng chuyền khác đưa ra ngoài xa để đóng gói. Rác và mùn phế phẩm cũng được đưa ra theo đường riêng.


Bà con nông dân đang phơi, đóng chỉ xơ dừa thành kiện.

Máy tước chỉ xơ dừa cải tiến chỉ sử dụng 5,5 thiên nguyên liệu cho một tấn chỉ xơ dừa thành phẩm. Điểm nổi bật là chỉ cần sử dụng thường xuyên bốn lao động, năng suất cao gấp 1,5 lần so với máy cũ. Mỗi tấn chỉ xơ dừa dùng máy cải tiến lao động được trả 80 ngàn đồng/ngày trong khi sử dụng máy cũ là 35 ngàn đồng. "Giá thành một chiếc máy đã cải tiến là 20 triệu đồng. Mỗi ngày trung bình sản xuất được từ 4-6 tấn chỉ xơ dừa thành phẩm. Như vậy so với máy cũ, máy tước chỉ xơ dừa cải tiến một tiếng lời hơn 200.000" - Sơn hào hứng cho biết. Từ khi Sơn sáng chế ra “máy đập tước chỉ xơ dừa liên hoàn”, bà con xung quanh đều học tập anh chuyển sang dùng máy cải tiến vì năng suất cao, giá thành phù hợp, tốn ít lao động và quan trọng nhất là an toàn. Máy cải tiến không cần lao động đứng trực tiếp cạnh máy tiếp nguyên liệu là đã có hệ thống băng chuyền làm thay.

3. Sơn “cận” có duyên với những “sáng chế” cải tiến kiểu như vậy. Năm 1988, Sơn mày mò sáng tạo ra chiếc “máy ấp trứng gà công nghiệp bằng hơi nước”. Máy hoạt động nhờ một mạch cảm ứng nhiệt và hai ngăn đựng trứng (ấp), một giờ trứng được đảo một lần. Hồi đó chưa có điện lưới, để đảm bảo nhiệt độ cho trứng nở phải đốt bình nước bằng dầu. Đặc biệt máy ấp trứng của Sơn có gắn hai hệ thống chuông báo nhiệt độ nước, khi nhiệt độ thấp hoặc cao quá so với thiết kế, máy sẽ đổ chuông báo để tăng/giảm nhiệt độ. Mỗi máy ấp trứng hơi nước như vậy có thể ấp được 1.000 trứng/lần.

“Tại sao anh không thành lập công ty, không đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sáng chế của mình?”. Sơn tâm sự về nỗi "đoạn trường" của anh khi đi đăng ký bản quyền: Thời gian từ khi nộp hồ sơ đến lúc nhận được giấy chứng nhận là 24 tháng, có thể lâu hơn nữa nếu hồ sơ có vấn đề hoặc chưa hoàn thiện. Ngộ nhỡ từ khi đăng ký đến lúc lấy được chứng nhận mà lại tiếp tục cải tiến một chút thì lại phải đợi lâu hơn nữa, trong khi đó bà con xung quanh đã “học lóm” hết công nghệ rồi! "Nhưng tới đây sẽ nhất định đăng ký thành lập công ty để vươn ra ngoài thị trường!" - Sơn khẳng định chắc chắn.


Kỹ sư nông dân Nguyễn Ngọc Sơn đang thiết kế tại nhà.

Sơn cho tôi xem bản vẽ chiếc máy dệt lưới chỉ xơ dừa dự kiến hoàn thành vào quý I/2006 được anh thiết kế trên AutoCAD 3D. Làm quen với máy tính mới gần 1 năm nhờ khóa học vi tính phổ cập lấy bằng A ở thị trấn Mỏ Cày. Đi học được vài hôm thì Sơn mua máy tính về nhà mày mò tự học, không đến lớp nữa. Anh mua các loại sách, báo về vi tính về nhà tự nghiên cứu và ý tưởng thiết kế chiếc máy dệt lưới cũng bắt đầu từ đó.

Càng biết nhiều về vi tính, Sơn càng tiếc vì thời gian thiết kế chiếc máy đập - tước chỉ xơ dừa cải tiến, anh hoàn toàn phải làm bằng tay. Có nhiều chi tiết anh tự làm lấy nhiều lần mới được vì bản vẽ so với thực tế có sai số. Bây giờ anh đã có thể sử dụng thành thạo các chương trình đồ họa, thiết kế các chi tiết máy móc chính xác và chuyên nghiệp không kém gì ai. Ngoài ra, Sơn cũng thường tự nâng cao kiến thức bằng cách thường xuyên vào mạng Internet tìm kiếm thông tin, cập nhật kiến thức mới.

Người đàn ông râu ria, khắc khổ ấy có ý chí và tinh thần sáng tạo thật đáng khâm phục. Không chịu đầu hàng trước khó khăn, không sợ mất sĩ diện trước cái dốt và sẵn sàng lao vào học để biết thêm cái mới, đó chỉ là những nét chấm phá về Sơn - một nông dân thời @!

Bài và ảnh: Xuân Thủy

Theo VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video