Sốt là phản ứng của cơ thể đối với một tác nhân gây bệnh nào đó. Mặc dù gây ra nhiều khó chịu và khiến cơ thể mệt mỏi, nhưng sốt thật sự có lợi nhiều hơn hại.
Khi bị sốt có nhất thiết phải hạ sốt?
1. Tại sao phải hạ sốt?
Sốt đã và đang là một trong những chủ đề trọng tâm của y học trong nhiều thế kỷ. Cho đến nay, con người đã có thể phát hiện và kiểm soát tốt cơn sốt trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc vì sao phải hạ sốt và có nhất thiết phải thực hiện điều này hay không.
Cơn sốt được xem là một phần của phản ứng miễn dịch tự nhiên trong cơ thể, nhằm loại bỏ các tác nhân gây bệnh, thường gặp nhất là ký sinh trùng và virus. Suốt nhiều thế kỷ qua, các nhà khoa học đã mô tả sốt như là một căn bệnh chứ không phải là dấu hiệu của bệnh khác.
Sốt đã và đang là một trong những chủ đề trọng tâm của y học trong nhiều thế kỷ.
Sốt được định nghĩa là tình trạng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng cao giới hạn nhiệt bình thường. Mặc dù phải mất hàng trăm năm thì các nhà khoa học mới đạt được phần nào sự nhất trí liên quan đặc tính và định nghĩa của cơn sốt, song sự đồng thuận trong việc khi nào, tại sao phải hạ sốt và liệu có nên điều trị sốt ở bệnh nhân hay không vẫn còn vấn đề đang gây nhiều tranh cãi.
2. Ảnh hưởng của sốt đến cơ thể
Sốt vừa có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân xấu vừa có những ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe con người.
Tác dụng của sốt
Khi bị sốt, hệ miễn dịch trong cơ thể tăng cường hoạt động, kích thích khả năng đáp ứng miễn dịch và tiêu diệt kháng nguyên gây bệnh. Chính vì vậy, khi cho trẻ tiêm chủng, nếu trẻ lên cơn sốt mà phải dùng thuốc hạ sốt cho trẻ sẽ dẫn đến giảm khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể trẻ.
Sốt có tác dụng kích thích các quá trình chuyển hóa trong tế bào và tạo điều kiện cho việc tích lũy năng lượng dự trữ. Hiện nay, người ta đã ứng dụng gây sốt nhân tạo cho bệnh nhân nhằm mục đích điều trị đối với một số trường hợp như sẹo lồi, sẹo co sau bỏng. Cơ chế của quá trình này là do sốt có khả năng ức chế quá trình tạo sẹo và làm mềm sẹo. Ngoài ra, phản ứng sốt còn làm giảm tổn thương do chấn thương tủy sống, điều trị thể sớm ở bệnh nhân giang mai có tổn thương thần kinh...
Sốt có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân xấu.
Tác hại của sốt
Bên cạnh những mặt lợi, sốt cũng có những ảnh hưởng nhất định đến cơ thể. Sốt cao làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng quá mẫn, gây sốc, tăng tiêu hủy, dẫn đến giảm kẽm và sắt trong máu.
Ngoài ra, sốt còn khiến cơ thể bị mất nước, rối loạn chất điện giải, gây ra co giật, rất nguy hiểm đối với trẻ em và trẻ sơ sinh. Đối tượng bị sốt cao có thể gặp phải các tổn thương thần kinh khác, chẳng hạn như mê sảng, lú lẫn, suy kiệt, mệt mỏi, suy tim, chán ăn, suy hô hấp...
3. Quan điểm về việc xử trí cơn sốt
Nhìn chung, khi gặp phải bệnh nhân lên cơn sốt, có hai trường phái xử trí: một là điều trị hạ sốt và hai là cứ để nó diễn ra.
Quan điểm cần điều trị hạ sốt
Những người ủng hộ việc điều trị hạ sốt đưa ra 2 giả thuyết để trả lời cho câu hỏi “Tại sao phải hạ sốt?”, tuy nhiên cả hai đều chưa được kiểm chứng bằng thực nghiệm:
- Sốt là tình trạng có hại cho cơ thể.
- Ức chế cơn sốt sẽ làm giảm tác dụng có hại của nó.
Một điều khiến cho nhiều nhà nghiên cứu phải cân nhắc trước khi điều trị sốt là tổng chi phí điều trị vượt quá lợi ích đem lại cho bệnh nhân. Tuy nhiên, lại một lần nữa, kết luận này cần phải được xem xét và tính toán chính xác hơn.
Hiện nay trên lâm sàng, chỉ có một tình huống bệnh nhân chắc chắn cần được điều trị hạ sốt tích cực là trong chấn thương não cấp tính. Ngoài ra, ngay cả khi xử lý những cơn sốt co giật ở trẻ em cũng không khuyến khích việc sử dụng thuốc hạ sốt vì điều trị dự phòng với thuốc hạ sốt không làm giảm tái phát cơn co giật, động kinh.
Giảm sốt thông qua biện pháp làm mát trong phòng ICU đã được ghi nhận lại trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng và được chứng minh là có đem lại lợi ích cho những bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng dẫn đến giảm tác dụng của thuốc vận mạch và tử vong. Trong khi đó, hầu hết các nghiên cứu khác liên quan đến vai trò của việc hạ sốt đều cho kết quả không mấy khả quan. Trên lý thuyết, chỉ những bệnh nhân bị sốt do mắc bệnh nặng hoặc những người gặp phải căng thẳng nghiêm trọng về tâm sinh lý mới có thể đạt được nhiều lợi ích từ việc hạ sốt, song cho tới nay vẫn chưa có nhiều bằng chứng để đi đến một kết luận rõ ràng về việc tại sao phải uống thuốc hạ sốt.
Quan điểm để cơn sốt qua đi một cách tự nhiên
Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng sốt là một cơ chế để bảo vệ cơ thể bằng việc tăng cường chức năng của tế bào miễn dịch và thúc đẩy tiêu diệt tác nhân gây hại. Trải qua nhiều thập kỷ, một số nghiên cứu đã ủng hộ giả thuyết này.
Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng nghiên cứu tác động của việc hạ sốt đối với những bệnh nhân có triệu chứng sốt trong tình huống nguy kịch được công bố vào năm 2005 cho thấy bằng chứng ủng hộ quan điểm này. Cụ thể, khi so sánh nhóm bệnh nhân được điều trị hạ sốt tích cực bằng thuốc từ sớm với nhóm chỉ bắt đầu hạ sốt khi thân nhiệt tăng cao đến mức nghiêm trọng thì những trường hợp để cơn sốt diễn ra một cách tự nhiên được ghi nhận có số ca tử vong ít hơn hẳn.
Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng khác được thực hiện trên những bệnh nhân đang trong tình huống nguy kịch có biểu hiện sốt ≥ 38,5 °C (không có biến chứng loạn thần kinh hoặc thiếu oxy nặng) đã không thể kết luận được vai trò và nguyên nhân tại sao phải hạ sốt. Theo đó, kết quả thử nghiệm cho thấy giữa hai nhóm có và không có điều trị hạ sốt, không có sự khác biệt đáng kể về khả năng tái phát sốt, mức độ nhiễm trùng, sự cần thiết phải điều trị bằng kháng sinh, tỷ lệ phải nằm viện và thời gian nằm viện của bệnh nhân.
Nên sử dụng thuốc hạ sốt nếu sốt ≥ 38,5 °C.
4. Bị sốt có nhất thiết phải hạ sốt?
Sốt là biểu hiện tốt hay xấu và tại sao phải hạ sốt? Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác. Tuy nhiên, nếu đứng trên quan điểm của thuyết tiến hóa, thì phản ứng sốt có thể là dấu hiệu của sự thích nghi. Sở dĩ có điều này là vì phản ứng sốt được ước tính là đã xuất hiện từ hơn 4 triệu năm trước (ở các loài vật khác nhau). Mặc dù y học đã bắt đầu nghiên cứu từ rất lâu, nhưng cơ chế chính xác của sốt như thế nào, tác dụng bảo vệ tiềm năng của nó đối với cơ thể ra sao và vì sao phải hạ sốt vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi và chưa có đầy đủ tài liệu nghiên cứu trên thực nghiệm.
Nhiều người nghiêng về giả thuyết cho rằng điều trị sốt làm ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch và khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ vẫn xem việc điều trị hạ sốt là cần thiết trong hầu hết các trường hợp.