Thảm họa tuyệt chủng đã quét sạch gần như toàn bộ sự sống trên Trái đất cách đây hơn 250 triệu năm, và sự kiện này diễn ra với tốc độ nhanh hơn vẫn tưởng.
Dựa trên kết quả phân tích các lớp đá ở Trung Quốc, quá trình tuyệt chủng vào cuối kỷ Permi diễn ra trong vòng 60.000 năm, ± 48.000 năm, theo báo cáo trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.
Có nghĩa là tốc độ này nhanh hơn gấp 10 lần so với dự đoán trước đây của giới chuyên gia.
Núi lửa phun trên diện rộng có thể là nguyên nhân kích hoạt sự kiện tuyệt chủng vào cuối kỷ Permi - (Ảnh: MIT)
“Bất kể nguyên nhân gì gây ra tình trạng tuyệt chủng trên diện rộng thì nó cũng hành động quá nhanh tay”, theo trưởng nhóm Seth Burgess của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).
Vụ tuyệt chủng trên đã thổi bay 96% sự sống trên bề mặt Trái đất.
Giới chuyên gia đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự kiện trên, trong số này bao gồm giả thuyết hàng loạt núi lửa hoạt động đồng loạt, thải một khối lượng khổng lồ CO2 vào khí quyển, kích hoạt quá trình a xít hóa các đại dương và gây nên tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức độ nghiêm trọng.
Cuộc nghiên cứu mới nhất dựa trên kết quả phân tích tinh thể Zircon ở Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Các chuyên gia đã điều chỉnh số liệu ước tính từng công bố vào năm 2011, khi đó vốn cho rằng toàn bộ quá trình tuyệt chủng phải diễn ra trong vòng 200.000 năm.
Theo báo cáo mới, họ phát hiện sự diệt vong của thực vật và động vật trên Trái đất có thể diễn ra nhanh nhất là trong vòng 12.000 năm, khi nhiệt độ các đại dương tăng thêm 10 độ C hoặc hơn.