Bề mặt Trái Đất trong thời kỳ phát triển sự sống đầu tiên có thể nóng tới 75 độ C trước khi hạ xuống 35 độ.
Trong nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà khoa học tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ cho rằng bề mặt Trái Đất khoảng 3 tỷ năm trước, khi dạng sống đầu tiên xuất hiện, nóng tới 75 độ C, theo Livescience. Nhiệt độ chỉ giảm xuống 35 độ C vào khoảng 420 triệu năm trước.
Để tìm ra nhiệt độ Trái Đất thời kỳ đầu, nhà cổ địa sinh học Amanda Garcia và đồng nghiệp "hồi sinh" các enzyme cổ đại bằng cách nghiên cứu loại enzyme có tên NDK. Các dạng protein này tồn tại gần như trong mọi tổ chức sống, nhiều khả năng trong cả những sinh vật đã tuyệt chủng.
Đồ họa Trái Đất trong giai đoạn đầu hình thành. (Ảnh: NASA).
Nhờ so sánh nhiều chuỗi phân tử của các dạng NDK ở nhiều loài ngày nay, các nhà nghiên cứu tái dựng các phiên bản NDK có thể từng hiện diện ở tổ tiên chung của chúng.
Từ các phiên bản enzyme cổ đại này, các nhà khoa học có thể xác định được nhiệt độ môi trường khi dạng sống sơ khai hình thành. Nghiên cứu trước đó nhận thấy sự tương quan giữa nhiệt độ giúp duy trì sự ổn định của protein với sự phát triển của tổ chức sống.
Garcia chọn tái tạo NDK của cây trên cạn và vi khuẩn quang hợp sống ở tầng biển có ánh Mặt Trời nhằm loại bỏ khả năng các tổ chức sống sống gần môi trường nhiệt làm sai kết quả nghiên cứu.
"Chúng ta cần hiểu thêm không chỉ bước tiến hóa ban đầu của sự sống trên Trái Đất mà cả sự đồng tiến hóa của sự sống và môi trường Trái Đất trong hàng tỷ năm về trước", Garcia nói. "Bởi vì đó dường như cũng là con đường cho sự sống phát triển ở những nơi khác trong vũ trụ".
Các nhà khoa học trước đó cho biết bằng chứng địa chất chỉ ra 3,5 tỷ năm trước, các đại dương trên Trái Đất có nhiệt độ từ 55 đến 85 độ C, sau đó nguội xuống nhiệt độ trung bình 15 độ C như ngày nay.