Sự thật đằng sau "con khỉ lai bí ẩn" ở Malaysia

Theo các nhà nghiên cứu, con khỉ lai tại một khu rừng ở Malaysia có thể là kết quả của giao phối khác loài, xảy ra do sự thu hẹp môi trường sống.

Một con khỉ lạ đã được quan sát thấy trong khu rừng dọc sông Kinabatangan ở Sabah, Malaysia. Hình ảnh con khỉ sau khi đăng tải trên các nhóm về động vật hoang dã trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý vì vẻ ngoài của nó, Guardian đưa tin ngày 12/6.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu những bức ảnh khác nhau chụp con khỉ, xem xét màu sắc và chi tiết cơ thể của nó, và kết luận rằng nó có khả năng là con lai của một con khỉ vòi đực (Nasalis larvatus) và một con voọc bạc cái (Trachypithecus cristatus).

Họ quan sát thấy khuôn mặt của con khỉ bí ẩn giống khỉ vòi hơn là voọc bạc, dù mũi của nó không dài bằng khỉ vòi và da của nó có màu xám. Phân bố màu sắc lông của nó có nét đặc trưng của khỉ vòi.


(Từ trái sang) Một con voọc bạc cái (Trachypithecus cristatus), con khỉ lai bí ẩn đang ôm con, và một con khỉ vòi đực (Nasalis larvatus). (Ảnh: Nature Picture Library/Alamy).

Lông của con khỉ lạ dài và rậm, giống như của một con voọc bạc, nhưng hai bên mặt lại không có bờm như thường thấy ở loài này.

Con khỉ lai giả định được nhìn thấy lần đầu vào năm 2017, và hiện đã trưởng thành. Nó được chụp ảnh lần cuối vào tháng 9/2020 trong khi đang ôm một con khỉ con.

Các nhóm quan sát nói rằng đã nhìn thấy nhiều nhóm thuộc hai loài ở gần nhau trong khu vực, và họ cũng đã chụp ảnh được những lần giao phối khác loài.


A, B, C, D, F là hình ảnh con khỉ bí ẩn từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành. Con voọc bạc trong ảnh A có thể là mẹ của nó. Trong ảnh E là một con khỉ vòi đực trưởng thành đang giao phối với một con voọc bạc cái trưởng thành. (Ảnh: International Journal of Primatology).

Nhóm nhà nghiên cứu cho biết trường hợp này có thể liên quan đến việc mất môi trường sống, khiến các loài buộc phải sống co cụm trong các khoảnh rừng ven sông Kinabatangan.

“Mất hoặc bị chia nhỏ môi trường sống luôn là mối đe dọa đối với các quần thể động vật hoang dã”, Nadine Ruppert, nhà linh trưởng học và giảng viên cao cấp tại Đại học Sains Malaysia, cho biết. Bà Ruppert là đồng tác giả của nghiên cứu về con khỉ bí ẩn nói trên, được công bố trên tạp chí International Journal of Primatology hồi tháng 4.

Một nghiên cứu trước đây cho thấy độ che phủ rừng trong khu vực đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Sabah mất 39,5% diện tích rừng từ năm 1973 đến năm 2010.

Cập nhật: 13/06/2022 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video