Hải đăng Alexandria là một trong số Bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Ngọn hải đăng nổi tiếng của người Hy Lạp này tồn tại tới 1.500 năm, được xây dựng nhằm hướng dẫn tàu bè vào cảng Alexandria an toàn.
Vào thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên, người Hy Lạp cổ đại ở Alexandria đã dựng ngọn hải đăng đầu tiên trong lịch sử - hải đăng Alexandria.
Vào thời điểm ấy, thành phố Alexandria nằm ở Ai Cập nhưng thuộc quyền sở hữu của Hy Lạp. Hơn nữa, thành phố này được đặt tên theo Alexander đại đế do nhà cầm quân này chinh phục thành công nơi này.
Vì vậy, đối với người Hy Lạp cổ đại, ngọn hải đăng Alexandria tượng trưng cho sự hùng mạnh của Alexander đại đế và triều đại Ptolemy.
Theo các tài liệu ghi chép, hải đăng Alexandria xây dựng dưới thời vua Ptolemy I và hoàn thành việc xây dựng vào khoảng năm 283 trước Công nguyên dưới thời vua Ptolemy II.
Kiến trúc sư Hy Lạp Sostratus thuộc Cnidus đã thiết kế ngọn hải đăng Alexandria. Công trình cao hơn 110m và chỉ đứng sau kim tự tháp Giza thời bấy giờ.
Trên đỉnh ngọn hải đăng Alexandria là một pho tượng thần Poseidon nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp làm từ đồng và tay cầm đinh ba cao 7m.
Theo ước tính, quá trình xây dựng hải đăng Alexandria tiêu tốn một số tiền khổng lồ khoảng 800 talents (đơn vị tiền cổ xưa).
Hải đăng Alexandria là một pháo đài kiên cố không chỉ hướng dẫn tàu bè vào cảng Alexandria an toàn mà còn có quân đội đóng ở đây và một bể đầy nước phòng khi bị quân địch bao vây.
Ngọn hải đăng Alexandria trải qua nhiều lần hư hỏng và sửa chữa do động đất. Tuy nhiên, công trình này bị sụp đổ hoàn toàn năm 1303 trong trận động đất nghiêm trọng.
Về sau, người ta xây dựng pháo đài Qait Bey ở vị trí từng là nơi hải đăng Alexandria tọa lạc năm 1479.