Từ lâu, lò vi sóng đã là một dụng cụ nhà bếp rất hữu dụng. Tuy nhiên, khá nhiều đồn đại và lo lắng liên quan đến việc rò rỉ sóng bức xạ từ lò vi sóng.
Trên internet hoặc TV gần đây có đưa tin rằng khi cho điện thoại vào lò vi sóng (đang tắt) và gọi. Nếu điện thoại của bạn đổ chuông nghĩa là lò vi sóng đã rò rỉ và có thể gây nguy hiểm.
Vậy sự thật có phải như thế không?
Lò vi sóng là thiết bị phát sóng siêu cao tần, hoạt động ở tần số khoảng 2,45GHz. Sóng điện từ khiến các phân tử nước trong thực phẩm nóng lên.
Để bảo đảm sóng điện từ này chỉ tác động đến thực phẩm trong lò, người ta thiết kế lò vi sóng như một lồng Faraday. Tấm lưới che cửa kính kết nối với thân kim loại tạo ra lớp bảo vệ, che chắn sóng điện từ phát tán ra xung quanh.
Trong khi đó, điện thoại di động của bạn hoạt động ở tần số thấp hơn, vào khoảng 1,9GHz hoặc 0,85GHz đối với mạng CDMA. Do vậy, tấm lưới che chắn của lò vi sóng không được thiết kế để ngăn chặn sóng di động.
Ngoài ra, Wifi hoạt động ở tần số tương tự của lò vi sóng, khoảng 2,4GHz. Việc thử nghiệm lò vi sóng với Wifi sẽ hợp lý hơn là tín hiệu di động thông thường.
Nhưng công suất của các thiết bị phát Wifi là rất nhỏ, nếu bạn ngồi bên thiết bị phát Wifi cả năm chỉ tương đương với việc gọi điện thoại liên tục trong 20 phút.
Khi cho điện thoại vào lò vi sóng, nếu bạn bật Wifi và thực hiện cuộc gọi qua internet, ví dụ phần mềm Zalo, Viber, vẫn có khả năng điện thoại của bạn đổ chuông. Nhưng không cần phải lo lắng, lò vi sóng không hoàn toàn che chắn hết các bức xạ điện từ.
Trong quá trình sản xuất, tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia và nhà sản xuất, lò vi sóng được phép rò rỉ một lượng nhỏ bức xạ điện từ.
Dĩ nhiên, mức rò rỉ là thấp và đảm bảo an toàn đối với người sử dụng. Ví dụ, tại Mỹ, mức rò rỉ bức xạ tối đa là 1mW/cm2 đối với lò vi sóng mới và không vượt quá 5mW/cm2 đối với lò cũ.
Nếu bạn có thiết bị đo bức xạ điện từ chuyên dụng, đặt nó trước lò vi sóng và đo. Nếu kết quả lên đến 20mW thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Trạm kiểm soát không lưu tại sân bay phát ra bức xạ lên đến 100mW.
Như vậy, việc kiểm tra rò rỉ lò vi sóng bằng điện thoại là không đáng tin cậy và bạn đừng quá lo lắng khi điện thoại của bạn đổ chuông trong lò vi sóng.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người sử dụng các thiết bị y tế như máy trợ tim không nên đứng gần lò vi sóng để tránh bị nhiễu sóng điều khiển. Ngoài ra, không nên cho bất cứ vật kim loại nào vào lò vi sóng đang hoạt động để kéo dài tuổi thọ của lò vi sóng.