Dù có tầm vóc vĩ đại, chuông Sa hoàng chưa bao giờ được đánh, do đã bị hỏng từ trong hố đúc. Riêng mảnh vỡ của nó đã nặng bằng ba con voi.
Nằm trong khuôn viên điện Kremly ở thủ đô Moscow của Nga, chuông Sa hoàng là quả chuông nặng nhất thế giới. Chuông cao 6,14 mét, đường kính 6,6 mét, được làm từ 84% đồng và 13% thiếc, trọng lượng 202 tấn, tương đương 50 con voi châu Á trưởng thành.
Chuông Sa hoàng - quả chuông nặng nhất thế giới.
Theo lệnh của nữ hoàng Anna Ioannovna (1693-1740), chuông được nghệ nhân Ivan Monorinoy đúc lại từ chuông của sa hoàng Aleksey Mikhailovich (1629-1676). Vì vậy mà trên bề mặt chuông có chân dung của cả hai nhà cai trị này.
Văn tự trên quả chuông đề năm 1733. Tuy nhiên, theo các tư liệu lịch sử, quả chuông được đúc vào rạng sáng ngày 25/11/1735. Quá trình đổ kim loại nóng chảy vào khuôn đúc kéo dài 1 giờ 12 phút.
Dù có tầm vóc vĩ đại, chuông Sa hoàng chưa bao giờ được đánh, do đã bị hỏng từ trong hố đúc. Chuông nằm trong hố sâu chèn gỗ nên khi xảy ra đám cháy lớn năm 1737, nó đã bị nung nóng. Chuông đã nứt khi người ta đổ nước vào để làm nguội.
Quả chuông này được đặt trong điện Kremly.
Quả chuông khổng lồ đã nằm trong hố đúc suốt 99 năm kể từ đó. Tới năm 1836, người ta mới kéo nó lên và dựng nó trên bệ. Việc đưa một quả chuông nặng hàng trăm tấn lên bệ là một kỳ công với trình độ kỹ thuật thời đó. Công việc này được thực hiện dưới sự điều hành của kiến trúc sư Pháp Auguste Montferrand, người đã xây dựng thành đường Thánh Isaac nổi tiếng tại thành phố Saint Peterburg.
Khi kéo chuông lên, người ta thấy quả chuông có 8 tai chứ không phải 6 tai như thông thường. Đỉnh chuông được trang trí bằng quả cầu đồng và chữ thập mạ vàng. Khi đó, quả chuông đã bị vỡ một mảnh lớn do tác động từ trận hỏa hoạn năm 1737. Mảnh vỡ này nặng đến 11,5 tấn, bằng ba con voi, được đặt bên dưới bệ đá của chuông. Bên trong bệ đá có quả lắc bằng sắt nặng 2 tấn. Quả lắc này thuộc về quả chuông thời sa hoàng Aleksey Mikhailovich.
Chuông Sa hoàng chưa bao giờ được đánh.
Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, một trung tâm liên lạc dự phòng và và bộ phận tác chiến của lực lượng bảo vệ Moscow đã được đặt bên trong chuông Sa hoàng.
Ngày nay, chuông Sa hoàng là một trong những hiện vật lịch sử nổi tiếng nhất của Moscow cũng như toàn nước Nga. Khi tham quan điện Kremly, du khách thường chụp hình và chạm vào quả chuông để cầu may.