Miếng dán tế bào gốc được quảng cáo giúp "thải độc, chữa lành", nhưng các bác sĩ khuyến cáo đây là hành vi lừa đảo trục lợi, người dân cần tỉnh táo tránh "mất tiền oan".
Gần Tết, nhiều người tìm kiếm các phương pháp thải độc (detox) để cơ thể nhẹ nhõm, khỏe mạnh đón năm mới. Trong đó, miếng dán kích hoạt tế bào gốc nhận được nhiều quan tâm, giá từ 3 đến 5 triệu đồng một gói 30 miếng.
Theo một người bán trên mạng xã hội TikTok, nhờ công nghệ ánh sáng độc quyền, miếng dán này có thể kích hoạt tế bào gốc biến đổi thành "những tế bào mới, trẻ, khỏe thay thế những tế bào bị hư tổn già nua", từ đó giúp cơ thể chữa lành tự nhiên.
Với người già, miếng dán giúp điều trị bệnh tiểu đường, thoái hóa đốt sống cổ, đau nửa đầu, đau khớp, viêm xoang, dị ứng, gout... Còn ở người trẻ, miếng dán giúp đẹp da, giảm rụng tóc, giảm bạc, trẻ hóa, săn chắc da, tăng miễn dịch...
Nguyên tắc khi dùng là dán trong 12 tiếng vào buổi sáng, mỗi ngày một lần, dán vùng khô ráo, không có vết thương hở. "Sau dán, bạn phải uống nhiều nước giúp quá trình thải độc nhanh hơn. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng phải chờ từ ba đến 6 tháng", một người bán trên hội nhóm Facebook chia sẻ.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), cho biết hiện không có cơ sở khoa học hay nghiên cứu nào khẳng định chỉ với một miếng dán có thể kích hoạt tế bào gốc giúp thải độc như lời đồn thổi. Đây là cách làm phản khoa học, vi phạm y đức, trục lợi trên niềm tin của người dân. Hiện, tế bào gốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt chỉ để điều trị ung thư máu, ghép tủy. Sản phẩm này cũng chưa được FDA công nhận là một thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe như quảng cáo trên mạng.
"Do đó, hiệu quả từ miếng dán này là vô căn cứ", bác sĩ Phương nói, thêm rằng tế bào gốc là tế bào trong cuống rốn, phải trực tiếp tiêm qua đường máu, thay vì dán lên cơ thể. Chỉ với một miếng dán vào người có thể điều trị bách bệnh là nhận định chủ quan, không có cơ sở. Thực tế, mỗi bệnh có một cơ chế hoạt động khác nhau và cần các phương pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra, cơ thể con người đã có cơ chế thải độc qua bài tiết mồ hôi, đi vệ sinh, hít thở, tập luyện, vận động. "Mọi người không nên lạm dụng việc 'thải độc' dẫn đến mất tiền oan", bác sĩ nói.
Miếng dán kích hoạt tế bào gốc đang bày bán tràn lan trên mạng. (Ảnh: Niceredov.life).
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm tế bào gốc và di truyền, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội), nói nhiều người đang lạm dụng thuật ngữ tế bào gốc.
Tế bào gốc là một thực thể sống, được đóng gói trong vật dụng vô trùng, sau đó đưa về phòng labo, thao tác trong điều kiện vô trùng sạch sẽ. Tại đây, bác sĩ kiểm tra sinh phẩm này có bị nhiễm khuẩn, nấm, độc tố gì không, chất lượng tế bào gốc thế nào rồi mới quyết định tiêm vào người. Có nhiều loại khác nhau như tế bào gốc phôi, trưởng thành, tạo máu từ tủy xương... Trong đó, tế bào gốc dây rốn có tiềm năng ứng dụng cao nhất do sẵn có, an toàn, không xâm lấn, không vi phạm đạo đức.
Gần đây, nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan đến đường hô hấp, một số loại ung thư như ung thư máu, các chứng bệnh về xương khớp... đã được ứng dụng tế bào gốc để điều trị thành công. Tế bào gốc cũng mở ra nhiều cơ hội trong điều trị các bệnh vốn được xem là nan y như xơ gan, tiểu đường, đột quỵ... Đánh giá bước đầu ở những bệnh nhân đã điều trị ghi nhận hiệu quả rất khả quan.
Tuy nhiên, tế bào gốc "thật" yêu cầu một quy chuẩn nghiêm ngặt trong thu thập, xử lý, bảo quản và vận chuyển mẫu. Chưa kể, chi phí để lưu trữ tế bào gốc cũng rất cao, lên đến hàng chục triệu đồng. Các cơ sở đủ điều kiện lưu trữ và xử lý tế bào gốc hiện nay tại Việt Nam là rất ít và sinh phẩm chứa tế bào gốc không thể trữ trong lọ hoặc ống, miếng dán để mang đi bày bán công khai, tràn lan như trên thị trường, bác sĩ Long nói.
Hiện, Bộ Y tế cho phép sử dụng tế bào gốc điều trị một số bệnh lý về máu như suy tủy xương, ung thư máu, các bệnh về máu cần ghép tủy xương, thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD. Cục Quản lý Dược không cấp phép cho các loại sản phẩm, mỹ phẩm được chế xuất từ tế bào cơ thể người. Ngoài ra, tế bào gốc chỉ sử dụng tại các cơ sở y tế được cấp phép.
Bác sĩ khuyến cáo, các sản phẩm có thể bị giả mạo về thành phần, nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn khi sử dụng. Phụ thuộc tế bào gốc có thể làm gián đoạn hoặc chậm trễ quá trình khỏi bệnh của bệnh nhân, khiến bệnh nặng hơn hoặc mất đi cơ hội điều trị. Một số nguy cơ khác như dị ứng thuốc hoặc các tai biến do điều trị, có thể gây tổn thương cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Người dân nên tỉnh táo, nắm rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hoặc tham khảo ý kiến của nhân viên y tế trước khi tiêm hoặc dán bất kỳ sản phẩm nào lên cơ thể.