Trong khi tê giác hầu như không còn phát hiện thấy ở Việt Nam (dù các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước nỗ lực tìm kiếm suốt nhiều năm qua ở khu rừng Nam Cát Tiên) thì những con tê giác nuôi trong môi trường nhân tạo lại đang thảnh thơi gặm cỏ ở Bình Dương.
Ngày 30.6.2007, chúng tôi đã tiếp cận với những con vật này tại Khu du lịch văn hóa lịch sử Đại Nam (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) - nơi đang nuôi dưỡng các động vật hoang dã vừa nói.
"Diễn viên chính" của vườn bách thú mà tôi muốn tiếp cận ngay, chính là loài tê giác. Khu nuôi tê giác là một khu đất rộng hàng trăm m2 có núi giả, hồ nước, bãi đất trống để tê giác phơi mình lúc nắng ấm. Đặc biệt, phía trước trại là nơi "giao lưu" giữa tê giác và khách tham quan, có chứa sẵn cỏ để khách "mời" tê giác đến. Ông Trung nắm mớ cỏ voi vẫy vẫy, lập tức 2 con tê giác bỏ hồ nước lững thững bước tới. "Chúng rất hiền, chỉ ăn cỏ và lá cây rồi dạo chơi xung quanh hồ nước. Hồi mới về đây đến giờ chúng không một lần nào giận dữ hay khó chịu" - ông Trung nói. 2 con tê giác này (một đực, một cái) nhập về từ Nam Phi hồi tháng 10.2006 khi chúng được 3 tuổi. Ở châu Phi, khí hậu mùa hè rất nóng, đến mùa đông thì rất lạnh, còn ở nước ta khí hậu dễ chịu hơn nhiều nên tê giác có vẻ "khoái" hơn, chúng ăn nhiều lớn nhanh.
Không xa trại tê giác là lãnh địa của sư tử trắng. Trái hẳn với sự chậm chạp của tê giác, 2 con sư tử trắng rất hiếu động. Chúng thoắt ẩn, thoắt hiện trong khu rừng có nhiều hang động, thác nước và cây cối. "Để tạo môi trường sống gần giống với thiên nhiên, ngay cả việc cho ăn uống, chúng tôi cũng bố trí giấu giếm trong các hốc đá, cành cây để chúng tìm kiếm" - ông Trung nói. Để ghi được tấm ảnh của 2
Vườn bách thú Đại Nam rộng 10 ha (gần bằng Thảo Cầm Viên ở TP.HCM rộng 14 ha) được khởi công xây dựng ngày 15.6.2006. Đây là vườn bách thú mở, thiết kế gồm 4 khu chính: khu bò sát, khu thú ăn cỏ, khu thú ăn thịt và khu thú nhỏ. Tương lai, vườn bách thú này sẽ mở rộng thêm loại hình vườn thú đêm và biểu diễn gameshow. Ban giám đốc KDL Đại Nam cho biết, sẽ biến khu vườn bách thú không chỉ là nơi nuôi dưỡng thú, tham quan du lịch mà còn là nơi giáo dục trẻ em về thiên nhiên. Một lễ hội đặt tên cho các con thú sẽ được tổ chức cho học sinh các trường đến tham quan trong thời gian tới. |
Theo Ban giám đốc Vườn bách thú, 2 con sư tử này cũng nhập từ một trang trại ở Nam Phi lúc gần 3 tuổi. Chúng đã bay trên một chuyên cơ đặc biệt 18 tiếng đồng hồ mới về đến sân bay Tân Sơn Nhất với sự hộ tống của các chuyên gia thú y nước ngoài. Lúc đến nơi, tinh thần của chúng bị khủng hoảng, nhân viên thú y phải tiêm cho chúng một liều thuốc an thần mới đưa về đến nơi nuôi dưỡng được. Trong lãnh địa mang nét hoang dã rừng rú của sư tử trắng, chúng tôi nhìn thấy 2 sợi dây điện nhỏ chăng ngang cạnh hào nước. Theo ông Trung, đó là 2 sợi dây điện có tác dụng đề phòng sư tử ra ngoài. "Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến sự an toàn tuyệt đối cho người và thú. Ngoài hào nước cách ly đã được tính toán kỹ (sâu 4 mét, rộng 7 mét), chúng tôi có một hàng rào điện dự phòng. Đối với các loại thú dữ còn có 2 nhân viên được huấn luyện túc trực 24/24 để ngay lập tức ứng cứu khi có sự cố" - ông Trung nói.
Để nhập những con tê giác và sư tử trắng này, sau khi đi khảo sát và đặt bút ký hợp đồng mua với 2 trang trại nuôi dưỡng tê giác và sư tử trắng ở Nam Phi, Công ty Đại Nam đã trải qua nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp. Đầu tiên là xác định các con thú mua không phải là loại cấm mua bán theo Công ước Cites về động vật hoang dã (động vật hoang dã nhóm 1 bị cấm mua bán). Nam Phi xếp sư tử trắng và tê giác thuộc nhóm 2 nên được phép bán nhưng bên mua phải thỏa mãn các điều kiện khắt khe: chỉ phục vụ mục đích giáo dục, nhân giống, trưng bày chứ không mua bán khai thác thương mại; điều kiện nuôi và sinh sản; đảm bảo an toàn cho người và thú nuôi; đội ngũ chuyên gia, nhân sự và nhân viên thú y có trình độ và kinh nghiệm...
Hai con sư tử trắng nuôi ở KDL Đại Nam (Ảnh: Hùng Sơn) |
Các điều kiện này được cơ quan chức năng hai nước kiểm tra thực tế và cấp phép. Sau đó, các con thú được cách ly và thuần dưỡng tại nơi bán rồi xét nghiệm huyết thống (phải thỏa mãn thuộc thế hệ F2 có cha mẹ rõ ràng), kiểm tra thú y hai nước, làm thủ tục hải quan, nộp thuế và thuê chuyên cơ vận chuyển. Theo Ban giám đốc KDL Đại Nam, thời gian từ lúc đặt mua đến khi các con thú về đến Việt Nam là hơn 4 tháng, giá mua là 150.000 USD/2 con tê giác (khoảng 2,4 tỉ đồng) và 70.000 USD/2 con sư tử trắng (khoảng 1,2 tỉ đồng). Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương vẫn tổ chức kiểm tra định kỳ thường xuyên hằng tuần, hằng tháng để bảo đảm an toàn chuồng trại và sức khỏe những con thú quý này.
Trên một diện tích khổng lồ của KDL Đại Nam (rộng 450 ha), vườn bách thú được dành 10 ha về phía bắc, thiết kế xây dựng hoành tráng. Đó đây, từng tốp công nhân đang thi công nốt phần chuồng trại và cây cối còn lại để kịp mở cửa đón khách vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, ngày 1.8.2007 tới, lô thú hoang dã thứ hai sẽ được nhập về với nhiều loại thú quý hiếm như: ngựa vằn, linh dương đầu bò, linh dương sừng kiếm, khỉ sói, chồn châu Phi...
Tê giác được nuôi dưỡng ở KDL Đại Nam (Ảnh: Hùng Sơn) |
Hùng Sơn