Sức mạnh đáng gờm của tổ hợp tên lửa phòng không Tor

Theo Tạp chí Mỹ The National Interest, chuyên gia quân sự người Nga Viktor Murakhovsky mới đây đã nhận định rằng, tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S1 của Nga đã không phát huy được hiệu quả và bộc lộ nhiều điểm thiếu sót khi làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ không quân Hmeymim ở Syria trước các cuộc không kích của đối phương. Hiệu suất chiến đấu của tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Pantsir-S1 chỉ đạt 19%, trong khi chỉ số này ở tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2U lại đạt tới 80%...

Hệ thống tên lửa phòng không Tor đã được Liên Xô bắt đầu phát triển vào năm 1975. Theo kế hoạch, tổ hợp tên lửa phòng không này sẽ được tiếp nhận vào biên chế quân đội Liên Xô để thay thế cho tổ hợp tên lửa phòng không Osa trong hệ thống phòng không của các sư đoàn. Vào thời điểm đó, các máy bay bay tầm thấp nên các tổ hợp tên lửa phòng không và những trang thiết bị kỹ thuật quân sự tiên tiến như radar theo dõi địa hình cần phải phản ứng nhanh hơn. Đó cũng là thời điểm các loại vũ khí mới như đầu đạn điều khiển có độ chính xác cao và tên lửa hành trình được đặt trên phương tiện trên không bắt đầu xuất hiện. Do đó, cần phát triển một hệ thống phòng không mới để chống lại tất cả các mối đe dọa này.

Hệ thống tên lửa phòng không mới đã xuất hiện vào năm 1985. Quân đội Liên Xô đặt tên cho hệ thống tên lửa phòng không mới là Tor. Tương tự như “người tiền nhiệm” Osa, tổ hợp Tor hoàn toàn tự động. Các tên lửa, radar theo dõi và radar tìm kiếm đều được đặt trên một cỗ máy.


Tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2. (Nguồn: RIA).

Để tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian phản ứng ở tổ hợp tên lửa phòng không Tor, người ta sử dụng bệ phóng tên lửa thẳng đứng. Theo đó, 8 tên lửa của tổ hợp tên lửa phòng không Tor được chứa trong các ống phóng thẳng đứng. Khi tên lửa được phóng, nó được đẩy ra khỏi ống phóng theo chiều thẳng đứng. Sau khi định hướng mục tiêu, động cơ tên lửa được khởi động. Điều này cho phép Tor có thể săn được mục tiêu trong 10 giây khi di chuyển và trong 8 giây từ một khoảng cách ngắn.

Hệ thống tên lửa phòng không Tor có một radar với dải ăng ten thụ động có chức năng quét điện tử, giúp cho việc hướng tên lửa theo chùm tia nhanh hơn và chính xác hơn so với tổ hợp Osa. Ở phiên bản ban đầu, Tor chỉ có một kênh kiểm soát việc đánh chặn mục tiêu và điều khiển tên lửa. Vì lý do này, hệ thống hiện đại hóa Tor-M1 đã được chế tạo và được đưa vào sử dụng từ năm 1991. Tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M1 có 2 kênh mục tiêu và có thể đối phó với bom dẫn đường bằng tia laser. Thời gian phản kích của hệ thống tên lửa phòng không này được rút ngắn hơn do được trang bị hệ thống máy tính mới. Trong khi đó, Tor-M2 là phiên bản nâng cấp hơn của hệ thống Tor-M1. Một số nguồn tin cho biết, tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2 có thể tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.

Với khả năng tích hợp được trên nhiều loại khung gầm, hệ thống tên lửa phòng không Tor được sử dụng rộng rãi trong Quân đội Nga. So với hệ thống phòng không Pantsir, hệ thống tên lửa phòng không Tor được trang bị loại radar mạnh hơn, có thể phát hiện mục tiêu nhanh hơn. Các tên lửa của Tor cũng có tính cơ động hơn do được phóng theo phương thẳng đứng, làm tăng khả năng sẵn sàng tác chiến với nhiều mục tiêu đến từ các hướng khác nhau.

Hệ thống tên lửa phòng không Tor được thiết kế để giải quyết những mục tiêu có phần dễ dàng hơn nhiệm vụ mà hệ thống Pantsir phải đối mặt. Pantsir được triển khai cho nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ quân sự, khu vực, cơ sở công nghiệp-hành chính có quy mô nhỏ trước sự tấn công của máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí chính xác cao. Tiêu diệt các mục tiêu như vậy là vô cùng khó khăn và điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các hiệu suất chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không Pantsir, The National Interest nhận định.

Cập nhật: 15/12/2018 Theo qdnd
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video