Các bà mẹ hãy đưa con đi cấp cứu ngay khi thấy trẻ thở nông, nhanh không đều, da tím tái, nhất là co kéo lồng ngực. Đây chính là biểu hiện suy hô hấp - một nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non.
Theo dõi trẻ, nếu thấy một trong những triệu chứng sau thì có thể trẻ đang trong tình trạng suy hô hấp:
- Rối loạn nhịp thở: Quan sát và đếm nhịp thở. Trẻ thở nông, nhanh không đều, nhịp thở trên 60 lần/phút.
- Màu sắc da: Da trẻ bị tím hoặc tái. Tím tái toàn thân hoặc tím quanh môi và tứ chi.
- Trẻ khó thở, co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, lõm xương ức. Di động của ngực và bụng không nhịp nhàng theo nhịp thở. Cánh mũi phập phồng có tiếng rên ở thì thở ra.
Khi trẻ bị suy hô hấp, cơ thể bị thiếu dưỡng khí, nếu không được khắc phục sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Trẻ phải được khám và chẩn đoán chính xác để có cách xử lý thích hợp. Trong thực tế, có những trường hợp suy hô hấp không thể điều trị khỏi bằng nội khoa mà phải giải quyết bằng phẫu thuật hoặc thủ thuật cấp cứu, chẳng hạn như tắc thực quản - rò khí thực quản, thoát vị cơ hoành, tràn khí màng phổi…
Trong lúc chuẩn bị đưa trẻ đến bệnh viện, cần nhanh chóng thông đường thở, đặc biệt là đối với trẻ suy thở do sặc sữa hoặc sặc đờm, dãi. Dùng ngón tay quấn khăn sô lau sạch miệng và họng. Nhanh chóng dùng miệng hoặc dụng cụ hút mũi cho trẻ. Phải làm nhanh và nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng. Nới rộng tã, áo để trẻ dễ thở. Phải giữ ấm bằng chăn, túi nước ấm, chú ý không được làm bỏng trẻ. Bế trẻ ở tư thế đầu hơi cao, ngửa cho dễ thở.
Để phòng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, ngoài việc phát hiện sớm các bệnh lý, yếu tố chăm sóc nuôi dưỡng cũng rất quan trọng. Không được để trẻ bị lạnh, giữ trẻ ở nhiệt độ ngoại cảnh 27-28 độ C, nhất là vào mùa đông. Bảo đảm bú mẹ tốt, cho trẻ bú theo nhu cầu nhưng nếu trẻ ngủ lâu quá 3 giờ không dậy thì phải đánh thức dậy cho bú. Nhiều bà mẹ thấy con ngủ say cứ để cho ngủ, có khi 5-6 giờ liền. Như vậy trẻ sẽ bị đói, bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt và có thể dẫn đến suy thở.