Vàng da là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ mới sinh có thể mắc bệnh vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Trẻ bị vàng da sinh lý có thể tự khỏi nếu mẹ biết chăm bé đúng cách. Trẻ bị vàng da bệnh lý, vàng da nhân cần điều trị kịp thời, nếu không có thể bị di chứng thần kinh hoặc tử vong.
Chỉ vì chủ quan
Cháu Dương Đức Việt 8 ngày tuổi, nặng 2,3kg nhập viện tại Khoa sơ sinh bệnh viện Saint Paul trong tình trạng vàng da ngày càng tăng, thở không đều, có cơn ngừng thở ngắn 3 - 4 giây, không đi được đại tiện. Sau hai ngày chiếu đèn và truyền dịch, bệnh của cháu vẫn không giảm.
Chị Phạm Thị Nga, 27 tuổi, sinh Việt vào tuần thai thứ 34. Chị Nga kể lại, 4 ngày đầu sau khi sinh cháu Việt ăn và ngủ rất ngoan. Đến ngày thứ 5, chỉ thấy da mặt cháu có màu vàng. Chị định đưa con đi khám nhưng bà ngoại và bạn bè đều nói đó là vàng da sinh lý thường gặp ở trẻ mới sinh, chỉ một vài ngày nữa sẽ hết. Nghe vậy, chị thấy yên tâm hơn và không cho con đi khám nữa. 2 ngày sau, da cháu Việt trở nên vàng sậm màu hơn. Chị thật sự lo lắng khi thấy con ngủ li bì, chỉ khi đòi ăn mới tỉnh dậy và không đi đại tiện trong 4 ngày. Thấy có điều bất thường, sang ngày thứ 7 chị Nga mới quyết định cho con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi được thụt phân, xét nghiệm máu, cháu Việt được chẩn đoán bị bệnh vàng da và được chuyển đến bệnh viện Saint Paul.
Được thay máu kịp thời
Sau khi khám và xét nghiệm, các bác sĩ ở bệnh viện Saint Paul có cùng kết luận: cháu Việt bị bệnh vàng da. Cháu được chiếu đèn và truyền dịch ngay. Đến ngày thứ 2, da vẫn không bớt vàng. Chỉ cần dùng đầu ngón tay ấn nhẹ thấy da có màu vàng rất rõ. Kết quả đo nồng độ bilirubin trong máu là 519 umol/l. Các bác sĩ đã nhanh chóng quyết định tiến hành thay máu cho cháu Việt. Bác sĩ Liên cho biết, lúc này bệnh vàng da của cháu đã rất nặng, chỉ chiếu đèn và truyền dịch không thể làm giảm được bệnh. Nếu không truyền máu kịp thời, lượng bilirubin trong máu quá cao sẽ nhanh chóng chạy lên não, làm tổn thương não, khó có thể tránh khỏi nguy cơ cháu bị tử vong hoặc bị di chứng như liệt toàn thân, giảm thính lực và thị lực...
Tối ngày 26-5, cháu Việt được thay máu. Lượng máu được thay là 350ml. Theo kết quả kiểm tra ban đầu, hiện tình trạng sức khoẻ của cháu tương đối ổn định. Đo lại nồng độ bilirubin là 297,6 mol/l, đạt mức cho phép. Cháu Việt sẽ tiếp tục được theo dõi, khoảng 3 ngày nữa có thể sẽ được xuất viện.
Đừng nhầm lẫn
Bác sĩ Trần Thị Liên, trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Saint Paul, cho biết, vàng da sơ sinh là hiện tượng sinh lý xảy ra do các hồng cầu của thai nhi bị phá huỷ để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi bị vỡ, hồng cầu phóng thích vào máu một lượng lớn chất bilirubin có sắc tố vàng. Chính sự gia tăng của chất này làm da có màu vàng. Có 2 loại vàng da sơ sinh: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý.
Chứng vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy, hằng ngày, các bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra; nếu trẻ bị vàng da, nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cần đưa đến bác sĩ để kiểm tra.
Vàng da được chia thành 2 mức độ:
Trong trường hợp khó nhận biết như da trẻ đỏ hồng hoặc đen, nên dùng đầu ngón tay ấn nhẹ lên da trẻ trong vài giây, sau đó bỏ tay ra.
Cần đưa ngay trẻ đến khám bác sĩ trong trường hợp:
Vàng da sinh lý xảy ra với hầu hết trẻ mới sinh, thường xuất hiện từ ngày thứ 2 sau khi sinh. Trẻ vẫn ngoan, ăn ngon, ngủ tốt: Nước tiểu và phân vàng, mỗi ngày trẻ đi từ 2 đến 3 lần. Đến ngày thứ 10 - 15 da tự hết vàng mà không phải điều trị.
Vàng da sinh lý không ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ và không gây nguy hiểm. Trẻ bị vàng da sinh lý là do khi nằm trong bụng mẹ, cơ thể trẻ có lượng hồng cầu cao (khoảng 5 - 6 triệu hồng cầu/mm3). Khoảng 2 ngày sau sinh, khi trẻ đã có thể tự thở tốt được, lượng hồng cầu thừa bị vỡ hàng loạt làm tăng chất bilirubin trong máu. Chất bilirubin này được chuyển về gan, chuyển hoá ở đó rồi được thải ra ngoài qua đường bài tiết, da trẻ sẽ hết vàng. Ngoài nguyên nhân hồng cầu bị vỡ, trẻ mới sinh bị vàng da còn có thể do trong sữa mẹ có nhiều beta caroten (tiền tố vitamin A) vì chế độ ăn hằng ngày của người mẹ có quá nhiều rau xanh hoặc hoa quả có màu như cà rốt, đu đủ.
Vàng da bệnh lý chiếm tỷ lệ khoảng 25 - 30%. Là hiện tượng chất bilirubin tự do trong máu tăng quá cao. Da của trẻ có thể bị vàng ngay từ ngày đầu lọt lòng. Các vùng da bị vàng lan rộng rất nhanh, bắt đầu từ mặt, đến ngực, bụng rồi lan dần xuống hai tay, hai chân. Các triệu chứng kèm theo như trẻ ngủ li bì, bú ít, sốt cao. Nước tiểu trong, đi đại tiện một lần/ngày. Nguyên nhân chính gây bệnh vàng da là mẹ và con bất đồng nhóm máu APO hoặc Rh, hạ đường huyết, đa hồng cầu, bướu máu...
Vàng da nhân - căn bệnh khó chữa
Theo bác sĩ Liên, trẻ bị bệnh vàng da thường trở nặng ở những trường hợp sinh non, thiếu tháng, trẻ nhẹ cân. Trẻ mắc bệnh vàng da, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, chất bilirubin nhanh chóng chạy lên não, làm tổn thương não dẫn đến bị vàng da nhân. Vùng da bị vàng lan đến lòng bàn tay, bàn chân. Triệu chứng ban đầu của bệnh vàng da nhân là toàn thân cứng, vặn xoắn, co giật, gan to. Bác sĩ Liên cho biết thêm, hiện nay vàng da nhân vẫn là một trong những căn bệnh còn khó chữa khỏi. Trẻ dễ bị tử vong hoặc mắc các di chứng lâu dài: giảm thị lực, thính lực, chậm phát triển trí tuệ...
Các bé bị vàng da thường được chiếu đèn
Chiếu đèn:
Được chỉ định đối với trẻ (có cân nặng trên 2,5kg) có nồng độ bilirubin trong máu vào ngày thứ nhất: 40mg/l; ngày thứ 2: 130mg/1; ngày thứ 3: 160mg/l.
Dùng nguồn ánh sáng mầu xanh dương từ bóng đèn compact, hallogen tác động lên các phân tử bilirubin ở dưới da trẻ. Các phân tử này bị biến thành các dạng đồng phân quang học, không độc, tan trong nước, dễ dàng được thải qua nước tiểu. Chiếu đèn liên tục từ 3 - 15 ngày, tuỳ theo mức độ của bệnh. Có thể cho trẻ chiếu đèn trong lồng ấp, giữ nhiệt độ từ 30 - 32oC. Cân nặng của trẻ càng thấp, nhiệt độ trong lồng ấp càng cao.
Lưu ý khi chiếu đèn: cần cho trẻ uống thêm nước, bú nhiều để bổ sung nước cho cơ thể. Hoặc truyền thêm dung dịch đường 10%.
Thay máu:
Được chỉ định đối với trẻ (có cân nặng trên 2,5kg) có nồng độ bilirubin trong máu vào ngày thứ 1 và ngày thứ 2: 180mg/l; ngày thứ 3: 200mg/l.
Qua đường tĩnh mạch rốn, dùng bơm tiêm hút ra một lượng máu nhất định sau đó lại bơm vào cơ thể trẻ một lượng máu tương đương. Sau mỗi lần thay máu, cần kiểm tra lại nồng độ bilirubin. Nếu nồng độ này vẫn cao, cần thay lần tiếp theo cho đến khi nồng độ bilirubin đạt mức cho phép.
Lượng máu được chỉ định đối với trẻ sinh đủ tháng từ 150 - 160ml/kg/lần; trẻ sinh thiếu tháng từ 180 - 190ml/kg/lần.