Để giảm mệt mỏi, rụng tóc, buồn nôn, tiêu chảy... sau xạ trị, người bệnh chú ý dinh dưỡng, uống nhiều nước, vận động vừa phải, tâm lý tích cực...
Tham gia hội thảo ngày 6/4 với chủ đề bệnh ung thư, Tiến sĩ, bác sĩ Daisuke Tachikawa, Viện phó Bệnh viện Wakamiya (Nhật Bản) cho biết ung thư là bệnh lý hiện có xu hướng gia tăng trên toàn cầu và cả Việt Nam.
Năm 2018, Tổ chức Ung thư toàn cầu cho biết thế giới có 18,1 triệu ca mới và 9,6 triệu ca tử vong; dự đoán năm 2025 tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó bệnh nhân phần lớn ở các nước đang phát triển. Việt Nam có 165.000 ca mắc mới và hơn 11.000 người tử vong, tương đương mỗi ngày hơn 450 người mắc mới và hơn 300 người tử vong. Riêng ung thư gan có 25.335 ca mắc mới và 25.404 trường hợp tử vong vì bệnh này.
Để điều trị ung thư, Tiến sĩ Tachikawa cho biết có 3 phương pháp chính là hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Gần đây có thêm liệu pháp miễn dịch được thêm vào để trở thành bốn phương pháp điều trị chính. Tùy theo loại bệnh, vị trí khối u, độ lan xa, giai đoạn ung thư, bác sĩ sẽ quyết định cách điều trị nào là tốt nhất dựa cho mỗi bệnh nhân. Liệu pháp miễn dịch có thể kết hợp với 3 phương pháp trên để hỗ trợ giảm tác dụng phụ xuống mức tối thiểu cho người bệnh.
Trong đó, xạ trị là một trong những phương pháp phổ biến nhất, dùng những tia năng lượng cao hay sóng điện từ mạnh (X-ray, gama...) để tiêu diệt tế bào ung thư. Bệnh nhân có thể được xạ trị trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm loại bỏ tế bào ung thư, teo nhỏ khối u để cắt bỏ, giảm nhẹ việc đau xương, teo nhỏ khối u nằm những nơi đặc biệt như cột sống, vùng nhạy cảm...
Tiến sĩ, bác sĩ Daisuke Tachikawa (bên phải) cho biết ung thư có xu hướng gia tăng trên toàn cầu và cả Việt Nam.
Tuy vậy, quá trình xạ trị có thể gây nên những tác dụng phụ khác nhau, phổ biến gồm:
- Tích lũy kim loại độc hại và các gốc tự do.
- Phản ứng da: Khô, ngứa, phát ban, đỏ, sẫm màu, phồng rộp, nứt...
- Mệt mỏi, chức năng gan yếu: Gan giữ chức năng trao đổi chất và thải độc. Khi máu chứa độc tố sẽ làm gan hoạt động kém hiệu quả, hạn chế việc máu vận chuyển oxy, dinh dưỡng tạo năng lượng. Kết quả là người bệnh sẽ mệt mỏi liên tục.
- Rụng tóc: Phương pháp xạ trị làm hủy hoại tế bào nhanh chóng, trong đó có chân tóc. Tình trạng có thể kéo dài trong 2-3 tuần sau lần xạ trị đầu tiên.
- Tiêu chảy: Xạ trị ở vùng xương chậu, bao tử và bụng có thể gây tiêu chảy. Phương pháp điều trị này cũng ảnh hưởng đến các tế bào tốt trong ruột non, ruột già.
- Ói mửa, buồn nôn: Xạ trị và dùng kháng sinh thường xuyên có thể làm ảnh hưởng sức khỏe đường ruột, dẫn đến buồn nôn.
Cách hạn chế các tác dụng phụ của quá trình xạ trị
- Để tăng hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng phụ của quá trình xạ trị, Tiến sĩ Tachikawa khuyến cáo bệnh nhân nên chú trọng dinh dưỡng với thực đơn đầy đủ nhóm chất: đạm, bột đường, béo, vitamin, khoáng chất, nước; chia thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa lớn.
- Tăng cường cá, rau quả và hạn chế thịt. Ưu tiên chọn các loại tươi sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản trong điều kiện lạnh, hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến, sơ chế. "Nấm, rong biển, bắp cải... là những thực phẩm người bệnh ung thư nên ưu tiên sử dụng", ông nhấn mạnh.
- Súc miệng trước khi ăn; trái cây có vị chua như cam, quýt, chanh, bưởi...; ăn trước khi đói... cũng có thể giảm triệu chứng buồn nôn.
- Uống nhiều nước và vận động cũng rất quan trọng nhằm cung cấp chất dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng.
- Người bệnh hạn chế nằm một chỗ, nên tranh thủ vận động mọi lúc mọi nơi với cường độ phù hợp để cơ thể thoải mái, đầu óc được thư giãn, tránh suy nghĩ quá nhiều.
TrueBeam - Công nghệ xạ trị nhanh và chuẩn xác nhất thế giới