Tác giả thuyết tương đối và tình yêu tuyệt đối

Khi nhận thực hiện nhiệm vụ của cơ quan an ninh Liên Xô, Margarita Konenkova chắc chắn không thể đoán được cuộc đời nàng sẽ thay đổi ra sao khi làm quen với Albert Einstein. Vậy mà cuộc sống của Margarita đã thay đổi tới mức không thể quay trở lại được nữa.

Margarita

“Margarita đẹp tới mức tôi cảm thấy nàng là sáng tạo của một họa sĩ bí ẩn nào đó” - chồng của Margarita, nhà điêu khắc nổi tiếng người Nga Sergei Konenkov đã viết như vậy trong nhật ký khi nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với người vợ tương lai.

Đúng, Margarita là một cô gái biết cách gây ấn tượng. Sau khi từ thị trấn nhỏ bé Sarapul lên Maxcova, nàng đến ở với gia đình bác sĩ Ivan Bunin rồi theo học khoa Luật. Tại đây, nàng làm quen với nhà điêu khắc trẻ Sergei Konenkov. Hai bên yêu nhau và sau đó ít lâu thì kết hôn.

Margarita dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống thủ đô. Cuộc hôn nhân giữa nàng với Konenkov có thể coi là êm đẹp, nhưng điều này không ngăn trở nàng có những cuộc phiêu lưu tình ái với những nhân vật nổi tiếng như nhạc sĩ Sergei Rakhmaninov và danh ca Fedor Shaliapin. Chồng nàng đương nhiên là biết hết. Nhưng ông không những là nhà điêu khắc tài năng mà còn là một con người khôn ngoan, bởi vậy, ông nhắm mắt làm ngơ trước những mối đam mê của người vợ trẻ.

Năm 1923, hai vợ chồng Konenkov sang Mỹ để tham dự cuộc triển lãm nghệ thuật Nga và Xô viết ở New York. Theo dự định lúc đầu thì chuyến đi Mỹ của họ chỉ kéo dài vài tuần, nhưng rồi, do những hoàn cảnh không định liệu được, mãi hơn 20 năm sau họ mới trở về Nga.

Tại Mỹ, Margarita biến đổi hẳn. Nàng được người Mỹ gọi là “phu nhân của Rodin Nga”. Chỉ trong một thời gian ngắn, nàng đã hòa nhập hoàn toàn vào cuộc sống của giới nghệ sĩ Mỹ. Nàng bắt đầu mặc những bộ váy áo lộng lẫy và đeo những đồ trang sức đắt tiền.

Ngôi nhà của hai vợ chồng nàng trở thành một kiểu “phòng khách quý tộc” đối với giới nghệ sĩ New York. Konenkov tự tay xây một “quán bar tại gia” hoàn toàn bằng gỗ chạm, còn Margarita thì luôn luôn nổi bật trong các cuộc tiếp tân. Và nhiều phần chính là nhờ nàng mà chồng nàng thường xuyên nhận được đơn đặt hàng của những những nhân vật uy thế nhất nước Mỹ. Năm 1935, Ban giám hiệu trường đại học Prinston nhờ Konenkov tạc bức tượng bán thân nhà bác học Albert Einstein.

Einstein

Einstein vào lúc đó đã 56 tuổi và ông đã có hai đời vợ.

Ông kết hôn lần đầu vào năm 20 tuổi với một phụ nữ Serbie hơn ông 4 tuổi tên là Mileva Marich. Mặc dù về sau họ có hai mặt con với nhau nhưng quan hệ giữa hai vợ chồng khá lạnh nhạt. Mileva thường xuyên ghen tuông với Einstein bởi vì ông được rất nhiều phụ nữ ái mộ.

Thường thường, một bậc mệnh phụ giàu có nào đó đưa ô tô đến đón ông đi đâu đó suốt ngày. Hơn nữa, Mileva còn cho rằng Einstein đã làm hỏng sự nghiệp khoa học của bà bởi vì bà vốn là một nhà toán học tài năng.

Nếu Einstein phải thi lần thứ hai mới đỗ đại học thì Mileva ngay lần thi thứ nhất đã đỗ chính trường đại học đó. Những mâu thuẫn ấy ngày càng tăng thêm và rốt cuộc họ chia tay nhau.

Tuy nhiên, Mileva đã tính toán mọi việc với độ chính xác toán học và khi ly hôn bà đặt điều kiện là nếu Einstein được giải Nobel thì ông chỉ được danh tiếng còn phần vật chất của giải thưởng thì phải trao cho bà. Quả thực là về sau Einstein đã giữ đúng cam kết đó.

Sau khi chia tay với Mileva, Einstein bắt đầu tìm kiếm bạn đời mới và người đầu tiên mà ông để ý là cô em họ Elza của ông. Elza là một phụ nữ tuy xinh đẹp nhưng thiển cận, chỉ yêu thích trang phục đẹp và những đồ trang sức đắt giá.

Dĩ nhiên nàng còn yêu Einstein nữa, nhưng đấy là Einstein cùng vinh quang của ông. Còn bản thân Einstein thì ông hoàn toàn thờ ơ với nếp sống xa hoa sang trọng. Ít nhất thì cũng là cho tới năm 1935, khi ông bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà của nhà điêu khắc Xô viết Konenkov và làm quen với nàng Margarita. Năm đó Einstein 56 tuổi còn Margarita 39 tuổi.

Tình yêu

Người ta thường nói: “Họ gặp nhau và lập tức yêu nhau”. Nhưng đối với Einstein và Margarita thì khác: Tình yêu của họ phát triển dần dần và chậm chạp để rồi sâu nặng tới mức không thể dừng lại được nữa.

Hồi đó Einstein sống ở Prinston. Konenkov chỉ đến đó một lần duy nhất rồi sau đó tạc bức tượng bán thân Einstein theo trí nhớ. Còn Margarita thì ngày càng năng đến Prinston hơn.

Sau khi Elza qua đời vào năm 1936 thì Margarita đã thế chỗ của Elza bên cạnh Einstein. Để Margarita có thể ở lại Prinston một cách hợp pháp, Einstein dùng một mẹo nhỏ.

Ông viết cho Konenkov một bức thư dài báo tin Margarita bị ốm nặng. Kèm theo bức thư là rất nhiều giấy chứng nhận y tế do các bác sĩ là bạn bè của Einstein cấp cùng với lời khuyên là bà Margarita nên lưu lại một thời gian dài tại Saranack - Leyka, một nơi an dưỡng nổi tiếng và cũng là nơi Einstein ưa đến nghỉ ngơi. Konenkov đồng ý với lời khuyên đó.

Ít lâu sau Konenkov hiểu ra rằng mối quan hệ giữa Margarita và Einstein đã vượt quá khuôn khổ tình bạn. Ông nặng lời trách móc vợ và cấm vợ không được gặp Einstein nữa. Nhưng vô ích. Margarita tiếp tục gặp gỡ Einstein cho tới ngày cùng chồng trở về Liên Xô.

Đoạn kết

Einstein và Margarita.

Hai vợ chồng Konenkov trở về Liên Xô vào năm 1945. Vài ngày trước hôm chia tay, Einstein tặng Margarita một chiếc đồng hồ vàng. Đến cuối thế kỷ XX chiếc đồng hồ này được đem bán đấu giá cùng một số bức thư tình trao đổi giữa Einstein và Margarita.

Chính những bức thư tình đó đã làm thay đổi quan niệm chung về mối quan hệ giữa hai người. Còn trước đó người ta vẫn cho rằng Margarita làm mọi việc đều là cho cơ quan an ninh Liên Xô.

Nàng bị nhiều người buộc tội là đã lợi dụng những mối quan hệ với giới thượng lưu Mỹ, trong đó có Einstein, để đánh cắp những “bí mật nguyên tử” cho Liên Xô. Nhất là có một số bức ảnh chụp Margarita đứng bên cạnh Robert Oppenheimer, “cha đẻ” của bom nguyên tử Mỹ.

Einstein có biết không? Có, ông biết hết và thấy thương Margarita. Thậm chí ông còn định giúp nàng nữa. Thật vậy, ông đã đồng ý gặp phó lãnh sự Nga ở New York là Pavel Mikhailov. Tuy nhiên, về sau người ta mới biết cuộc gặp gỡ này không đem lại kết quả gì bởi vì Einstein từ chối cộng tác với cơ quan an ninh Liên Xô.

Sau khi vợ chồng Konenkov trở về nước, Margarita và Einstein còn tiếp tục trao đổi thư từ với nhau thêm 10 năm nữa cho tới khi Einstein qua đời vào năm 1955.

Các bức thư của Einstein thường buồn bã và phảng phất tâm trạng bức bối của tác giả. Chẳng hạn, ông viết trong một bức thư vào thời kỳ hai bên mới xa nhau: “Khác với anh, em còn có thể có vài chục năm nữa để sống và sáng tạo. Anh nghĩ nhiều về em và chân thành chúc em phấn chấn và dũng cảm bước vào cuộc sống mới”.

Có lẽ ông không biết rằng cuộc sống mới ở Maxcova của nàng Margarita xinh đẹp và ưa xa hoa của ông lại là cuộc sống của một người vợ chăm lo công việc nội trợ. Hai vợ chồng nàng không có con, bởi vậy, khi Konenkov qua đời vào năm 1971 thì Margarita hoàn toàn cô độc.

Nàng không đi đâu hết và tránh gặp mặt bạn bè cùng người thân. Nàng qua đời vào năm 1980, chỉ giữ lại bên mình một chiếc tráp đựng giấy tờ, trong đó có bài thơ viết tặng nàng của Einstein. Nhưng đây không phải là nhà vật lý vĩ đại Einstein, cũng không phải là người được giải Nobel Einstein, mà là Einstein người yêu của nàng, người đã dành cho nàng một mối tình tuyệt đối.

Theo Tiền Phong
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video