Dế đực phải chọn giữa mạng sống và tình yêu

  •  
  • 871

Kêu hay không kêu, đó luôn là một câu hỏi khó đối với các con dế đực. Bởi vì tiếng kêu có thể mang lại cho chúng tình yêu, nhưng cũng có thể là cái chết.

Dế đực cất lên những bản tình ca để quyến rũ các nàng dế, nhưng các bản nhạc đó cũng có thể mang tới cái chết bởi nó hấp dẫn cả các con ruồi ký sinh tới sinh sôi nảy nở trên cơ thể.

(Ảnh: Genomenewsnetwork)
Loài ruồi ký sinh có tên là Ormia ochracea. Chúng đào bới trên thân vật chủ và sau 1 tuần bắt đầu gặm nhấm các bộ phận, xẻ dọc cơ thể rồi giết chết con vật khi chúng sinh sôi nảy nở.

Các nhà nghiên cứu đã biết điều này từ lâu. Họ còn biết rằng "bi kịch" nặng nề đến nỗi các con dế ở Hawaii không thể cất những bản tình ca đôi lứa truyền thống. Nhưng nghiên cứu mới đã phát hiện, mối nguy hiểm do những con ký sinh trùng gây ra còn thay đổi nghiệt ngã cách kêu của con đực và phản ứng của con cái khi bầy ký sinh lẩn khuất xung quanh.

"Đó là một cái giá quá đắt. Nếu là con dế đực và không lên tiếng, bạn sẽ không thể có được bạn tình nhưng lại sống lâu hơn. Còn nếu hát, bạn thu hút cả người tình lẫn kẻ thù", nhà hành vi động vật Jane Brockmann tại Đại học Florida, Mỹ, nói.

Trong cuộc thí nghiệm với loài dế hoang dã ở Florida, Brockmann và cộng sự đã bắt những con dế đực và bỏ vào một cánh đồng, ghi lại âm thanh của chúng trong mùa xuân và thu.

Ở miền bắc Florida, loài ruồi ký sinh chỉ xuất hiện vào mùa thu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy tiếng kêu của dế cũng tuân theo lịch trình này - 75% con đực kêu vào mùa xuân, so với chỉ 43% vào mùa thu.

Kết quả trên các con dế cái cũng tương tự. Trong lúc giao phối, con cái rất hung hăng, gần như là chiếm lĩnh con đực. "Vào mùa xuân, các cô nàng vô cùng háo hức. Ngay khi vừa nghe thấy tiếng kêu, chúng liền lao tới nơi phát ra âm thanh. Nhưng vào mùa thu, chúng lại cẩn trọng hơn rất nhiều", Brockmann cho biết. "Chúng chần chừ và mất thời gian lâu hơn để tiến gần tới nguồn âm thanh". Điều này cho thấy dễ cái cũng lo sợ trở thành mục tiêu của những con ruồi ký sinh.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, những con đực không kêu nữa thì lại đi lang thang cho đến khi gặp được một cô nàng nào đó. Ngoài ra, mặc dù chúng ít kêu vào mùa thu, nhưng con nào đã kêu thì kêu rõ lâu. Điều này sẽ đẩy chúng vào nguy cơ bị tấn công lớn hơn, nhưng lại giúp chúng được gần gũi với nàng lâu hơn. Vì vậy cái giá phải trả cũng đáng.

Kết quả nghiên cứu đã làm sáng tỏ sự mâu thuẫn sự áp lực chọn lọc tự nhiên - khả năng sống sót, với áp lực lựa chọn tình dục - khả năng giao phối.

M.T. 

Theo Tân Hoa Xã, Vnexpress
  • 871