Hầu hết các bồn cầu hiện nay đều có màu trắng tinh, không đơn thuần chỉ cho đẹp mà còn có nhiều mục đích khác nữa.
Thông thường, các đồ vật có màu tối có tác dụng che giấu vết bẩn tốt hơn sản phẩm cùng loại nhưng sáng màu. Do đó nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao bồn cầu dù ở nhà hay ở nơi công cộng thì màu phổ biến vẫn là màu trắng? Trong khi bồn cầu là một trong những nơi dễ bị dính bẩn nhất. Hóa ra, tất cả đều có lý do.
Hầu hết bồn cầu đều được làm bằng sứ, một vật liệu cứng và chịu bền tốt. Sau khi nung, bề mặt sứ trở nên bóng sáng, không thấm nước và không bị ố giúp dễ dàng cọ rửa và làm sạch ngay cả khi nó có màu trắng.
Khi nung ở nhiệt độ cao, sứ có màu trắng. Tuy nhiên, nếu cho thêm bột màu vào trước khi men khô trong lò người ta có thể tạo ra bồn cầu với nhiều màu sắc khác nhau. Nhưng để tiết kiệm chi phí và thời gian, thay vì thêm công đoạn đổ màu cho bồn cầu người ta chọn cách đơn giản hơn là để nó nguyên bản màu trắng.
Màu trắng thường đem lại cho chúng ta cảm giác sạch sẽ.
Màu sắc có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của con người theo nhiều cách khác nhau. Và màu trắng thường đem lại cho chúng ta sự sạch sẽ, an toàn và tinh khiết. Đây cũng là lý do tại sao khu bệnh viện và phòng tắm thường được sơn màu trắng để ấn tượng về một không gian sạch sẽ và vô trùng.
Thực tế, đầu thế kỷ 20, những thiết kế toilet trang trí hoa mỹ, sặc sỡ từng xuất hiện, tuy nhiên có thể thấy rằng chúng vẫn không được ưa chuộng bằng mẫu toilet trắng đơn giản.
Ngoài ra, màu trắng là gam màu trung tính, tạo cảm giác rộng rãi, thích hợp với bất kỳ phong cách thiết kế nào, bất kỳ kích thước phòng tắm nào. Ngược lại với màu đen sẽ phá hỏng sự rung cảm của không gian, đem lại cảm giác chật chội hơn đối với những nhà vệ sinh có diện tích nhỏ.
Một lý do nữa là bụi bẩn hay vi khuẩn trên nền trắng cũng dễ nhận biết hơn. Điều này khuyến khích mọi người cọ rửa toilet thường xuyên hơn.