Cá voi lưng gù thường xuất hiện ở vùng biển ngoài khơi Hawaii vào tháng 12. Nhưng năm nay chúng đã không xuất hiện. Nguyên nhân là vì đâu?
Tháng 12 hàng năm thường đánh dấu sự khởi đầu của "mùa" cá voi lưng gù hoạt động ở biển Hawaii, nhưng các chuyên gia cho biết tháng 12/2015 vừa qua chúng đã xuất hiện muộn hơn thời gian thường lệ mà chưa rõ nguyên nhân.
Những con cá voi khổng lồ là một trong những biểu tượng của mùa đông ở các vùng biển đảo, và sự xuất hiện của chúng đã mang lại nguồn thu nhập cho các công ty tổ chức tour du lịch. Nhưng các quan chức tại Cơ quan nghiên cứu cá voi lưng gù Hawaii cho biết, họ đã nhận được thông báo cho biết tháng 12 vừa rồi rất hiếm cá voi xuất hiện tại khu vực.
"Điều này cần được quan tâm. Phải có điều gì đó đã xảy ra... Chúng tôi mới quan sát được có vài con cá voi", Ed Lyman - điều phối viên và nhà quản lý về bảo vệ tài nguyên ở Hawaii cho biết.
Hình ảnh con cá voi lưng gù đầu tiên xuất hiện ở khu vực đảo Long Island Sound sau 2 thập kỷ qua. (Nguồn: AP).
Nhiếp ảnh gia Brian Powers, người đã dành nhiều năm để chụp hình cá voi lưng gù từ trên không, thì nói rằng: "Tôi đã tìm kiếm chúng từ mấy tháng nay và không thấy một con cá voi nào".
Vào khoảng thời gian này hàng năm, hơn 10.000 con cá voi lưng gù di cư mùa đông từ Alaska đến các vùng nước ấm ngoài khơi Hawaii để kết đôi và sinh đẻ. Họ thường tụ tập bên đường quốc lộ và trên những ngọn đồi ven biển để quan sát và chụp ảnh những con vật biển khổng lồ và mạnh mẽ này.
Ông Lyman cho biết, sự vắng mặt của đàn cá voi có thể do chúng đang bận kiếm ăn ở vùng biển phía Bắc do chúng bị các đàn cá nhỏ thu hút, hoặc có thể do El Nino làm nước biển ấm lên, hoặc do "dân số" đàn cá voi đã tăng lên.
"Với "dân số" đông hơn, lũ cá voi đang bận cạnh tranh với nhau để kiếm nhiều nguồn thức ăn hơn, do chúng cần dự trữ năng lượng cho chuyến di cư dài hơn 2.000km" - ông giải thích.
Vào tháng 9/2015, tờ Người hướng dẫn khoa học đạo Cơ Đốc đưa tin, lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, con cá voi lưng gù đã xuất hiện ở khu vực đảo Long Island Sound ngoài khơi bờ biển Stamford (Mỹ). Một nghiên cứu chung được thực hiện bởi Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) và Hội bảo tồn cá voi và cá heo (WDCS) đã cho thấy, nhiệt độ nước biển tăng cũng có thể làm cá voi thay đổi khu vực sinh sống để duy trì được môi trường sống tối ưu.