Nhật Bản giết chết hơn 200 cá voi mang thai

Nhật Bản tái diễn hoạt động săn bắt cá voi Minke gây tranh cãi với lý do "vì mục đích khoa học" và giết 333 cá thể, trong đó có hơn 200 con cái đang mang thai.


Cá voi đưa lên bờ sẽ được chuyển đến bán ở các chợ sau khi lấy nội tạng nghiên cứu. (Ảnh: Newsy)

Theo Viện Nghiên cứu Động vật biển có vú Nhật Bản, sự kiện nằm trong chương trình săn cá voi thường niên ở Nam Cực.

Hôm 23/3, 4 con tàu trở về sau hành trình 115 ngày tiến hành săn cá voi để nghiên cứu khoa học. Cuộc đi săn diễn ra bình thường, bất chấp lệnh cấm do Tòa án Quốc tế đưa ra năm 2014, theo National Geographic.

Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế nghiêm cấm tất cả hoạt động săn cá voi vì mục đích thương mại từ năm 1986, nhưng vẫn cho phép ngoại lệ đối với nghiên cứu khoa học. Từ lâu, Nhật Bản bị cộng đồng quốc tế cáo buộc sử dụng ngoại lệ này làm vỏ bọc cho hoạt động săn cá voi thương mại.

Theo Leah Gerber, nhà sinh học chuyên về động vật biển có vú, khi tàu Nhật Bản đưa một con cá voi lên bờ, họ tiến hành một vài hoạt động khoa học như thu thập các cơ quan nội tạng sử dụng cho nghiên cứu. Nhưng phần xác cá voi còn lại sẽ được chở tới chợ và đem bán để tiêu thụ.

Sau lệnh cấm của Tòa án Quốc tế, Nhật Bản tạm ngừng săn cá voi trong một thời gian ngắn, sau đó bắt đầu đi săn trở lại trong năm 2015 - 2016. Các nhà chức trách sửa đổi để chương trình thiên về tính khoa học nhiều hơn và hạ thấp số lượng mục tiêu xuống 2/3.

Con số cắt giảm trên giấy tờ có vẻ khả quan, nhưng không tạo nên sự khác biệt trong thực tế, theo Astrid Fuchs, quản lý chương trình săn cá voi của tổ chức phi lợi nhuận Whale and Dolphin Conservation. Trước đây, Nhật Bản giết khoảng 200 - 400 con cá voi Minke Nam Cực hàng năm. Con số 333 cá thể trong năm nay không thể hiện sự thay đổi.

Một phần kế hoạch của Nhật Bản là nhắm vào cá voi cái. Nhà chức trách Nhật Bản lý giải họ phải bắt giết cá voi cái chưa thành niên và trưởng thành để xác định độ tuổi cá voi Minke sẵn sàng giao phối. Nhật Bản muốn sử dụng dữ liệu thu được để chỉ ra quần thể cá voi Minke phát triển mạnh đủ phục vụ cho hoạt động săn bắt hàng năm. Do thời điểm này rơi vào mùa sinh sản ở vùng biển phía nam, 90% cá voi cái bị giết đang mang thai.

Hành trình năm nay nằm trong kế hoạch 12 năm với mục tiêu giết gần 4.000 con cá voi ở biển Nam Cực. Các nhà nghiên cứu chưa phân loại hạng mục bảo tồn cho cá voi Minke Nam Cực, nhưng một số phân tích cho thấy số lượng loài này giảm 60% trong giai đoạn 1978 - 1991 và 1991 - 2004, đủ để xếp chúng vào danh sách gặp nguy hiểm.

Người tiêu dùng Nhật Bản không đặc biệt thích ăn thịt cá voi. Theo Wired, thịt cá voi thịnh hành ở quốc đảo này một thời gian ngắn sau Thế chiến II. Ngày nay, mức tiêu thụ thịt cá voi là 4.000 - 5.000 tấn/năm, một con số tương đối nhỏ so với 600 triệu tấn hải sản mà người Nhật dùng hết mỗi năm.

Theo Keiko Hirata, nhà khoa học chính trị ở Đại học California, Northridge, Mỹ, Nhật Bản vẫn tiếp tục hoạt động săn cá voi vì hai lý do. Đầu tiên, khác với nhiều quốc gia trên thế giới, người Nhật không xem cá voi như một động vật có vú cần bảo vệ trước nhu cầu tiêu thụ thịt của con người.

"Phần lớn người Nhật không có tình cảm yêu mến đặc biệt đối với cá voi và bất đồng ý kiến với các nhà bảo vệ động vật phương Tây, những người thường xuyên nhấn mạnh quyền lợi của cá voi", Hirata viết.

Lý do thứ hai Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản không chú trọng giám sát hoạt động săn cá voi do chịu ít áp lực đòi hỏi kết thúc chương trình ở trong nước.

Cập nhật: 26/03/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video