Tại sao các máy bay thương mại không trang bị dù cho các hành khách khi bay?

Việc lao ra khỏi máy bay và bung dù không lãng mạn và dễ dàng như mọi người tưởng, và hơn nữa, nó cũng không giúp ích gì trong việc cứu sống mọi người khi gặp tai nạn.

Những chiếc dù đã trở thành vật dụng không thể thiếu trên các máy bay chiến đấu hoặc máy bay quân sự khi chúng giúp nhiều phi công sống sót trong các tình huống khẩn cấp. Nhưng tại sao cho đến nay vẫn chưa có máy bay thương mại nào trên thế giới trang bị dù cho tất cả các hành khách trên chuyến bay?

Nói một cách ngắn gọn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này của các hãng hàng không, bao gồm việc hầu hết hành khách không được huấn luyện để sử dụng dù, thiết kế không phù hợp của máy bay thương mại và chi phí bị đội lên. Không những vậy, ngay cả khi nó được trang bị trên các chuyến bay thương mại, khả năng sống sót cũng không được cải thiện.


Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc những chuyến bay thương mại không trang bị dù cho hành khách.

Nhảy dù không phải việc dễ như nhiều người tưởng

Nếu bạn xem đủ nhiều các phim hành động, bạn sẽ thấy rằng việc nhảy dù chẳng có gì khó khăn và cũng chẳng cần phải luyện tập gì nhiều. Ngay cả người mới nhảy lần đầu cũng có thể làm được mà chẳng khó khăn gì.

Quả thật, nó cũng có gì khó đâu chứ, khi tất cả những gì bạn cần chỉ là đeo dù vào, kéo khóa chốt và nhảy ra ngoài. QUÁ SAI.


Với những người mới tập nhảy dù, họ gần như phải buộc chặt người vào huấn luyện viên.

Nhảy dù không đơn giản, ít nhất nó cũng không dễ như nhiều người thấy trên TV. Trong các lớp dạy nhảy dù, ngay cả khi những người mới tham gia sẽ được buộc chặt vào người hướng dẫn viên, họ vẫn được yêu cầu phải trải qua "nửa giờ hướng dẫn cơ bản".

Còn với những người đủ dũng cảm muốn nhảy ra ngoài khoảng không một mình, họ vẫn phải tuân thủ theo "4 đến 5 giờ hướng dẫn cường độ cao trên mặt đất, bao gồm việc học các vận động của cơ thể khi bay và các tín hiệu tay sẽ được hướng dẫn viên sử dụng khi bay cùng học viên."

Những người chơi nhảy dù đều đã được lên kế hoạch trước

Bạn chắc hẳn đã từng thấy những người chơi nhảy dù có thể tạo thành nhóm biểu diễn đẹp mắt cùng nhau trên không trung. Tuy nhiên, những hoạt động đó đều diễn ra trong các điều kiện hoàn hảo và được lên kế hoạch từ trước, cũng như những người tham gia đều đã luyện tập cẩn thận cho việc này.


Những màn biểu diễn được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Ngoài ra, khi rời khỏi máy bay, họ đều nhảy ra theo kế hoạch và trình tự định trước: Ví dụ người nặng cân hơn sẽ nhảy ra trước. Điều này để tránh việc mọi người rơi vào đúng dù của nhau, có thể làm dù bị cuộn lại gây tai nạn cho cả hai. Hơn nữa, những người tham gia hoạt động này đều đi thành từng nhóm nhỏ vài người với nhau.

Trong khi đó, mỗi chuyến bay thương mại đều có từ hàng chục đến hàng trăm hành khách – những người chưa hề được huấn luyện về các kỹ năng nhảy dù, đang hoảng loạn khi máy bay gặp sự cố - có rất ít hy vọng những người này sẽ tuân theo đúng trình tự để không va vào nhau khi lao ra ngoài khoảng không.

Tầm hoạt động của các máy bay thương mại


Những vận động viên nhảy dù đều phải có các món đồ bảo hộ trên người.

Trong khi các máy bay biểu diễn nhảy dù thường chỉ hoạt động trên độ cao 4,5 km đến 5 km, phần lớn các máy bay thương mại phải di chuyển ở độ cao trên 10 km để tuân theo quy định của các cơ quan quản lý không lưu, với vận tốc gần 1.000 km/h (gấp 5 lần tốc độ của các máy bay biểu diễn nhảy dù).

Ở độ cao này, người nhảy dù cũng cần phải có mặt nạ dưỡng khí và bình oxy để sống sót qua được thử thách của việc tụt oxy trong máu (hypoxia). Như đã nói ở trên, với hàng trăm hành khách đang ở trong trạng thái hoảng loạn khi sự cố xảy ra, việc trang bị đúng cách các đồ bảo hộ trước khi lao ra ngoài là gần như không thể.

Các máy bay thương mại không được thiết kế để mọi người nhảy ra ngoài

Các máy bay biểu diễn nhảy dù cỡ nhỏ và những máy bay quân sự cỡ lớn đều có các thiết kế phù hợp để nhảy ra khỏi máy bay. Ví dụ như các cửa mở ở hông hoặc các đường dốc ở đuôi máy bay để người nhảy dù có thể di chuyển dễ dàng và thoát ra.


Những máy bay quân sự cần có đường dốc phù hợp để nhảy dù mà không gặp chấn thương nào.

Trong khi đó, các máy bay thương mại thường có kích thước lớn và cũng không có đường dốc phù hợp cho việc đó. Lúc này, việc hành khách nhảy ra khỏi máy bay có thể gặp rủi ro lớn khi va chạm với thân hoặc cánh máy bay, và gặp phải các chấn thương nặng, thậm chí chết người.

Phần lớn các tai nạn xảy ra trong quá trình cất và hạ cánh

Một nguyên nhân thuần túy về thống kê: thời điểm lý tưởng nhất để bung dù ra khỏi một chiếc máy bay là khi nó đang di chuyển. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, phần lớn các vụ rơi máy bay chết người xảy ra trong quá trình cất và hạ cánh – những khoảng thời gian dù hoàn toàn vô dụng.

Ngoài ra có một thực tế rằng, những chiếc dù đều rất cồng kềnh, nặng nề và đắt đỏ. Mỗi bộ dù có thể nặng đến 18kg và tổng trọng lượng mỗi chuyến bay sẽ tăng thêm đến vài tấn khi trang bị hết cho các hành khách. Hơn nữa một bộ đồ nhảy dù với đầy đủ đồ bảo hộ có thể có giá từ 6.000 USD cho đến 9.000 USD – giá vé máy bay sẽ không rẻ như hiện nay nữa nếu các hãng hàng không trang bị thêm các bộ đồ này.


Đa số các vụ tai nạn máy bay xảy ra trong quá trình cất và hạ cánh - những khoảng thời gian dù hoàn toàn vô dụng.

Có một điều thú vị rằng đã có những người không có dù khi rơi khỏi máy bay nhưng vẫn sống sót.

Theo văn phòng Air Crashes Record Office tại Geneva, từ năm 1940 đến 2008 đã có 157 người rơi khỏi máy bay mà không có dù nhưng vẫn còn sống để kể lại câu chuyện của họ cho chúng ta. 42 người trong số đó rơi từ độ cao trên 3 km.

Một trường hợp hy hữu là là một phi công người Anh bị bắn rơi vào năm 1944 trong Thế chiến thứ hai. Bị rơi từ độ cao trên 5km mà không có dù, anh may mắn vướng phải các cây thông và tuyết mềm, vì vậy anh gần như không hề hấn gì mà chỉ bị bong gân chân.

Vận may của anh tưởng chừng đã hết khi sau đó anh bị người Đức bắt giữ. Tuy nhiên, dường như người Đức ấn tượng với trải nghiệm cận kề cái chết của anh ta hơn là quốc tịch của viên phi công nên đến tháng 5 năm đó, anh được thả với một chứng nhận kỷ niệm cú ngã lịch sử này.

Cập nhật: 15/03/2019 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video