Tại sao chúng ta vẫn phải dựa vào một thủ thuật y khoa từ cả thế kỷ trước để điều trị Covid-19?

Khoa học đang tiến triển nhanh, nhưng vẫn chưa đủ nhanh.

Các nghiên cứu về Covid-19 đang được tiến hành với tốc độ chưa từng có tiền lệ, nhưng các bác sỹ phát hiện ra rằng để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, họ sẽ thực hiện một thủ thuật xưa cũ thay vì các giải pháp tân tiến hiện nay. Theo đó, trong các bệnh viện trên toàn nước Mỹ, các nhân viên y tế hiện dựa vào liệu pháp trị liệu huyết tương vốn có tuổi đời đến cả thế kỷ: rút huyết tương từ những bệnh nhân sống sót sau khi bị nhiễm virus corona, sau đó truyền vào những bệnh nhân đang ốm.

Nguyên nhân cho việc này là bởi có hàng trăm công trình nghiên cứu đã được xuất bản trong vài tháng trở lại đây, và những bước đột phá trong phát triển vaccine vẫn chưa đủ nhanh để bắt kịp tốc độ lây lan kinh khủng của đại dịch. Rất nhiều người đã nhiễm bệnh và đang chờ chết – đó là lý do tại sao các bác sỹ đành quay về với liệu pháp huyết tương như một giải pháp tạm thời mà họ hi vọng có thể giúp được trong tình cảnh chạy đua với thời gian trước khi các phương thức chữa trị khác xuất hiện.


Liệu pháp huyết tương vẫn được sử dụng để điều trị Covid-19.

"Tôi nghĩ nó như một cây cầu, cho đến khi chúng ta có thể phát triển vaccine hoặc dược phẩm được chứng minh là an toàn và hiệu quả, và có thể sản xuất với số lượng lớn" – theo lời Elliott Bennet-Guerrro, vốn đang nghiên cứu việc sử dụng phương pháp huyết tương trên các bệnh nhân Covid-19 tại Stony Brook Medicine.

Sau khi bạn bị nhiễm một con virus, như virus corona, và hồi phục, máu của bạn sẽ tồn tại rất nhiều kháng thể được tạo ra bởi hệ miễn dịch nhằm giúp bạn chiến đấu với virus. Các bác sỹ hi vọng rằng truyền huyết tương có kháng thể sang cho một người vừa nhiễm bệnh, vốn chưa có kháng thể, sẽ giúp họ nhanh khỏe hơn.

"Với huyết tương, chúng tôi đang  tận dụng khả năng tuyệt vời của cơ thể nhằm phát triển các kháng thể và sự miễn dịch đối với các mầm bệnh" – Bennett-Guerrero nói. "Chúng tôi truyền những yếu tố bảo vệ kia cho những người đang ốm và không thể kích hoạt phản ứng miễn dịch".

Phương pháp này đã và đang được sử dụng trong trị bệnh từ những năm 1890, khi máu từ những người sống sót được truyền sang các bệnh nhân bạch hầu. Các nghiên cứu được tiến hành trong đại dịch cúm 1918 cho thấy đây quả thực là một liệu pháp chữa trị hiệu quả. Kể từ đó, nó đã được sử dụng để chữa trị hàng chục loại bệnh khác nhau, bao gồm cả sởi và thủy đậu.

Và ngày nay, các bác sỹ hi vọng nó có thể giúp được những người nhiễm Covid-19. Dữ liệu sơ bộ trên nhiều bệnh nhân tại Trung Quốc cho thấy họ đã tiến triển tốt hơn sau khi nhận được huyết tương từ người sống sót, nhưng vẫn chưa đủ dữ liệu để khẳng định chắc chắn truyền huyết tương thực sự hiệu quả. Các nhà nghiên cứu tại Mỹ cũng đang tiến hành các nghiên cứu để xem liệu các bệnh nhân nhận được huyết tương có tiến triển nhanh hơn những bệnh nhân không nhận huyết tương hay không.

"Đó là một kỹ thuật xưa cũ" – Scott Koepsell, giám đốc y khoa thuộc bộ phận dịch vụ hỗ trợ truyền máu và cấy ghép tại Trung tâm Y khoa Đại học Nebraska, người từng thu thập huyết tương từ những bệnh nhân sống sót sau dịch Ebola, cho biết. Ông nói rằng dù việc truyền huyết tương đã được sử dụng trong hơn một thế kỷ, nó vẫn được xem là một phương thức chữa trị "đường cùng". "Nó thực sự là một hướng đi có ý nghĩa, nhưng nó cũng tồn tại nhiều giới hạn và ẩn chứa nhiều biến số".

Ví dụ, mỗi người sống sót sau một đợt nhiễm bệnh sẽ có một hỗn hợp các chất miễn dịch trong huyết tương khác biệt nhau đôi chút. Điều đó có thể khiến các nhà nghiên cứu rất khó để biết được liệu pháp huyết tương có hiệu quả (hoặc không hiệu quả), hoặc nó có phụ thuộc vào việc một bệnh nhân có được huyết tương thực sự chất lượng (hay kém) hay không. Các nhà nghiên cứu y khoa đang cố giải quyết vấn đề này khi chỉ chấp nhận cho những người sống sót có mức độ kháng thể cao được hiến tặng huyết tương, nhưng huyết tương vẫn sẽ khác biệt giữa những người hiến tặng khác nhau.


Huyết tương vẫn sẽ khác biệt giữa những người hiến tặng khác nhau.

Bên cạnh tính không chắc chắn về hiệu quả của việc truyền huyết tương, còn có nhiều nguy cơ có khả năng xảy ra trong bất kỳ trường hợp truyền máu nào: các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể bao gồm tổn thương phổi và phản ứng dị ứng.

Koepsell từng chữa trị cho các bệnh nhân Ebola tại Mỹ bằng huyết tương dưỡng trong các đợt dịch vào năm 2014 và 2015. Với Ebola, không như Covid-19, việc truyền huyết tương có một số lợi ích khác: huyết tương còn có thể giúp ngăn chặn tình trạng xuất huyết nguy hiểm do virus gây ra. Ebola nguy hiểm hơn nhiều đối với những người đã bị lây nhiễm, khiến việc đánh giá nguy cơ dễ dàng hơn khi mà những bằng chứng rõ ràng cho thấy tính hiệu quả của truyền huyết tương là không có.

Trong bất kỳ đợt bùng dịch nào, huyết tương dưỡng cũng có một ưu thế lớn: nó sẽ xuất hiện ngay khi có ai đó sống sót sau khi nhiễm một căn bệnh mới. "Điều may mắn là nó sẽ sẵn sàng chỉ một thời gian ngắn sau khi một điều gì đó xảy ra" – Koepsell nói.

Sẽ tuyệt vời hơn nếu các loại thuốc tiêu chuẩn hơn, dành riêng cho căn bệnh này, được tìm ra một cách nhanh chóng. Những loại thuốc khác đó vẫn sẽ mất rất nhiều thời gian mới đến được tay các bệnh nhân – một phần bởi chúng ta vẫn chưa đầu tư đủ nhiều vào việc phát triển chúng. Sau các đợt dịch SARS và MERS, cũng do virus corona gây ra, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu các phương thức chữa trị và các loại vaccine khả dụng. Nhưng khi quãng thời gian từ những đợt dịch kia ngày càng dài ra, số tiền đầu tư nghiên cứu cũng cạn kiệt dần. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tiến gần đến được những câu trả lời mà họ theo đuổi – lẽ ra họ đã làm được nếu có những khoản đầu tư liên tục hơn.

Theo Koepsell, vẫn có khả năng thu hẹp quãng thời gian từ lúc một dịch bệnh mới xuất hiện và khi phát triển được phương thuốc chữa trị, do đó các bác sỹ không phải tìm đến giải pháp cuối cùng là truyền huyết tương. Các khoản đầu tư vào công tác sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, cũng như công tác nghiên cứu thuốc kháng virus dành cho các mầm bệnh như virus corona, sẽ giúp các bác sỹ có thêm nhiều tài nguyên cần thiết để đối đầu với đợt bùng dịch tiếp theo.

"Hi vọng các chính phủ và các viện nghiên cứu sẽ nhận ra rằng các đại dịch có thể đến với tần suất cao hơn" – ông nói. "Tôi hi vọng sẽ không phải thu thập và truyền máu mỗi khi một dịch bệnh mới xuất hiện nữa".

Cập nhật: 15/04/2020 Theo vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video