Mục đích thực sự của sự giận dữ là gì? Liệu đàn ông có phải là người nóng tính hơn phụ nữ hay không? Giận dữ có ảnh hưởng tới tinh thần của chúng ta hay không? Câu trả lời cho những thắc mắc này đang dần được khoa học hé lộ.
Theo bài viết trên trang The Guardian, giận dữ là một trong những cảm xúc nguyên thuỷ nhất của con người dù rằng nhiều loài động vật có mạch thần kinh cơ bản giống chúng ta. Cơn giận có thể được chia thành nhiều mức độ, trải dài từ nhẹ nhàng tới bùng nổ. Và ở mỗi người, trong mỗi trải nghiệm sẽ tạo ra một mức độ giận dữ khác nhau. Nhưng khi mà khoa học tham gia vào nghiên cứu lĩnh vực này, chúng ta sẽ có thể dần hé lộ những lời giải thích cho mối quan hệ giữa cơn giận dữ và tính cách, tuổi tác, giới tính và kinh nghiệm sống của mỗi người.
Giới khoa học tin rằng khả năng nổi giận đã được nhúng sâu vào bộ não của chúng ta qua hàng trăm triệu năm tiến hoá. Nó hình thành một phần của bản năng chiến đấu, loại bản năng này chính là thứ công cụ giúp chúng ta đối đầu với những mối nguy và tranh giành nguồn tài nguyên, đồng thời giúp ta khẳng định những chuẩn mực xã hội riêng. Về bản chất, cơn giận dữ có nguồn gốc nằm sâu trong hệ thông phần thưởng của não bộ - một nhóm cấu trúc thần kinh đảm nhiệm chức năng tạo ra sự khích lệ. Bên cạnh đó, chúng ta liên tục cân đo đong đếm những tình tiết mà chúng ta mong muốn sẽ xảy ra, quá trình này có thể diễn ra cả ở trong tiềm thức. Và một khi có sự bất đồng trong những gì chúng mong đợi và hiện thực, nhóm cấu trúc thần kinh trên sẽ gửi một hồi chuông báo động, đồng thời kích thích hoạt động tại vùng hạch hạnh nhân của não.
Về bản chất, cơn giận dữ có nguồn gốc nằm sâu trong hệ thông phần thưởng của não bộ. (Ảnh minh họa).
Sau đó cơn giận giữ sẽ kích hoạt phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy của cơ thể, lúc này tuyến thượng thận sẽ đổ vào máu hàng loạt những hormone căng thẳng bao gồm adrenaline và testosterone, nhằm giúp chúng ta chuẩn bị cho những "va chạm" vật lí. Song hành động cuối cùng nhất của cơn giận lại được điều khiển bởi một vùng não thứ hai – vùng vỏ não trước, nơi chịu trách nhiệm cho việc đưa ra quyết định và tìm lí do. Vùng não này sẽ cân nhắc về cơn giận và nhắc nhở chúng ta phải hành xử sao cho không vượt quá giới hạn về xã hội trong hầu hết hoàn cảnh và thời gian. Nó chính là thứ giới hạn bản năng nguyên thuỷ của loài người.
Cơn giận ảnh hưởng tới cách chúng ta suy nghĩ như thế nào?
Giận dữ thực sự có thể ảnh hưởng tới cách mà chúng ta nhìn nhận những rủi ro. Nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể khiến chúng ta bất đồng và đánh giá thấp khả năng xảy ra của những hậu quả xấu. Bằng chứng là trong một cuộc nghiên cứu, người ta sẽ khiến các tình nguyện viên cảm thấy giận dữ, nhóm này sẽ ước lượng tỷ lệ xảy ra của các chứng bệnh về tim mạch thấp hơn so sánh với nhóm tình nguyện viên đang có thái độ lo sợ. Không những vậy những tình nguyện viên "hung hăng" này còn cho biết rằng họ muốn được trả nhiều tiền lương hơn. Theo đó, tuỳ thuộc vào bối cảnh xung quanh, cơn giận dữ có thể khiến chúng ta trở nên dũng cảm hoặc liều lĩnh hơn.
Cơn giận dữ còn làm ảnh hưởng tới động lực quần thể. Khi cảm thấy tức giận, chúng ta có xu hướng sẽ suy nghĩ tiêu cực và mang tính thiên kiến hơn về những người ngoài, đồng thời ta cũng dễ đổ lỗi cho những đặc điểm tiêu cực về bản chất của một người nào đó hơn là hoàn cảnh của họ. Không chỉ vậy, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người đang trong cơn giận cũng có xu hướng tìm kiếm người để đổ lỗi. Song hành động này không những không làm nguôi cơn giận, ngược lại, nó còn tăng sự giận dữ của người đó với một hoặc một nhóm người bị đổ lỗi. Điều này trong một số trường hợp sẽ tạo thành một vòng xoáy giận dữ phi lí.
Giận dữ có mang lại ích lợi gì không?
Nếu nhìn trên phương diện lịch sử, cơn giận thường được cho là một điều không tích cực. Ở đế quốc La Mã cổ đại, cơn giận dữ được Seneca cho là "không có giá trị gì ngay cả trong chiến tranh". Không chỉ vậy, thịnh nộ cũng là một trong bảy đại tội. Song giới khoa học lại nhìn nhận rằng cơn giận có thể có một số lợi ích cho cá nhân nói riêng và cho xã hội nói chung.
Sự giận dữ có thể hoạt động dưới dạng một nguồn động lực mạnh mẽ. Trong một cuộc nghiên cứu thực hiện vào năm 2010, các nhà khoa học Hà Lan đã cho các tình nguyện viên xem hình ảnh của các vật thể như bút và cốc trên màn hình máy tính, đan xen giữa những hình ảnh này là hai khuôn mặt thể hiện sự giận dữ và không biểu cảm gì. Khi hình ảnh về khuôn mặt giận dữ hiện lên, những người tham gia có xu hướng ham muốn đồ vật đó và sẽ làm việc chăm chỉ hơn trong một trò chơi nằm trong cuộc nghiên cứu để có thể giành được những đồ vật ấy. Ngoài ra, điểm thú vị là những người tham gia đều không hề nhận thức được động lực này, và họ cho biết rằng họ chỉ đơn thuần là thấy thích những đồ vật ấy mà thôi.
Biểu hiện bên ngoài của cơn giận cũng có thể làm thay đổi cách mà bạn nhận thức. Larissa Tiedens, một nhà tâm lí học người Mỹ với kinh nghiệm về nghiên cứu sự giận dữ, đã tìm ra rằng những người tham gia nghiên cứu sẽ có thái độ yêu thích vị tổng thống Bill Clinton khi được chứng kiến ông bày tỏ cơn giận về vụ scandal liên quan tới Monica Lewinsky hơn là khi họ thấy ông bộc lộ tâm trạng buồn bã. Không chỉ vậy, hiệu ứng tương tự cũng xuất hiện nếu thay Bill bằng những chính trị gia không nổi tiếng khác.
Bên cạnh đó, Tiedens còn phát hiện được rằng những người tham gia nghiên cứu có xu hướng gán mức địa vị xã hội và mức lương cao hơn cho những ứng cử viên xin việc tự đánh giá mình là một người nóng tính. Và khi bạn bộc lộ sự tức giận trong một cuộc đàm phán, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn bởi chúng ta dễ có xu hướng hét vào mặt những người được cho là cứng đầu và độc đoán. Song ta cũng nên lưu ý rằng tất cả những cuộc nghiên cứu về cơn giận dữ nêu ra trên đây đều là về sự giận dữ ở đàn ông. Bên cạnh đó cũng có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bằng chứng về việc phụ nữ thì ít tức giận hơn đàn ông.
Đàn ông và phụ nữ, ai dễ nổi nóng hơn?
Thông thường, nếu so sánh với phụ nữ, thì đàn ông là những người sẽ dễ bộc lộ cơn giận dữ ra ngoài hơn, bởi vậy người ta cũng tin rằng phái mạnh nóng tính hơn phái yếu. Song điều này không chính xác. Có nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ trải qua cơn giận dữ cũng thường xuyên và dữ dội không khác gì cánh mày râu. Đúng là đàn ông nóng tính thì sẽ hung hăng hơn, nhưng điều này không kết luận được rằng phụ nữ không giận dữ thường xuyên như đàn ông. Trong một cuộc nghiên cứu thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Tây Nam Missouri, nhóm tác giả đã khảo sát khoảng 200 phụ nữ và đàn ông, và đi tới được kết luận rằng tần suất nổi giận và bộc lộ cơn giận bằng hành động ở phụ nữ cũng không hề thua kém gì khi so với phái mạnh. Điểm khác biệt lớn nhất mà nhóm tác giả tìm thấy đó chính là nam giới thường kém hơn trong việc kìm nén cơn giận, ngược lại thì phụ nữ làm tốt hơn trong việc kiểm soát những hành động bốc đồng được xui khiến bởi cơn giận.
Phụ nữ trải qua cơn giận dữ cũng thường xuyên và dữ dội không khác gì cánh mày râu. (Ảnh minh họa).
Cũng có những bằng chứng cho rằng sự khác biệt về giới của cơn giận thực chất bắt nguồn từ sự khác biệt trong sinh lí não bộ. Một cuộc nghiên cứu thực hiện bởi Ruben và Raquel Gur, một cặp vợ chồng tại trường Y trực thuộc Đại học Pennsylvania, đã tìm ra rằng tuy rằng hạch hạnh nhân ở não bộ của đàn ông và phụ nữ đều có kích thước bằng nhau, nhưng phần vỏ não trước ở phụ nữ lại có kích thước lớn hơn. Đây là khu vực não bộ đảm nhận chức năng quản lí và điều khiển những hành động bốc đồng ở người. Từ phát hiện này, nhóm tác giả cho rằng đây chính là lí do tại sao phụ nữ sẽ thường giỏi hơn đàn ông trong việc kìm nén cảm xúc đang dâng trào.
Song các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết về những tác động của sinh lí não bộ lên việc hình thành các khác biệt giữa hai giới tính. Dẫu vậy, họ cũng tìm ra được nhiều bằng chứng đáng tin cậy chỉ ra rằng nhiều hành vi khác, cùng với những kì vọng xã hội cũng đóng góp một phần vào hình thành nên sự khác biệt này.
Nhà tâm lí học tại Đại học Yale chỉ ra rằng: "Chúng tôi còn nhận thấy rằng sự khác biệt về phương thức giáo dục giữa các bé trai và bé gái tại trường học cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng điều khiển cách chúng phản hồi cơn giận dữ. Và nếu chỉ so sánh những khác biệt về não bộ, chúng ta sẽ không thể giải thích được sự khác biệt trên, nó còn phức tạp hơn thế nhiều".
Sức khoẻ tinh thần và cơn giận
Cách mà chúng ta phản ứng trước cảm giác giận dữ đều phụ thuộc vào sự liên kết cân bằng giữa một vài vùng khác nhau của não bộ. Song khi những kết nối này bị phá vỡ, người ta sẽ trở nên hung hăng hơn thông thường.
Các chứng bệnh về thoái hoá thần kinh bao gồm Alzheimer và đặc biệt là căn bệnh sa sút trí tuệ trán – thái dương, đều là nguyên nhân dẫn tới những tổn thương cho vùng vỏ não trước – phân vùng não có khả năng ức chế những phản hồi theo bản năng trước những thất vọng và cơn giận. Không những thế, các bệnh lí trên cũng có thể cắt đứt hoàn toàn các liên kết giữa phân vùng này của não và hạch hạnh nhân.
Luca Passamonty, một chuyên gia tư vấn thần kinh và đồng thời là một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Cambridge cho rằng: "Những người mắc phải bệnh sa sút trí tuệ trán – thái dương thường sẽ trở nên hung hăng, cau có và tức giận hơn bình thường. Nó còn khiến người bệnh dễ bộc lộ sự khó chịu của mình ra ngoài hơn, đồng thời làm tăng tính dữ dội của cách mà họ biểu lộ những cảm xúc trên".
Passamonti cũng cho biết rằng nguyên nhân của sự thật trên chính là sự kết hợp việc bị mất khả năng ức chế những phản hồi tức thì trước sự thất vọng và cơn giận và những khó khăn trong việc cân nhắc về bối cảnh của cảm xúc, cũng như khó khăn trong việc hiểu tại sao mình lại đang cảm thấy như vậy.
Ngoài ra thì cách mà chúng ta xử lí cơn giận cũng có thể ảnh hưởng tới tinh thần của mình. Passamonti cho biết, ở một số người có thể xuất hiện sự ức chế cực độ, đây là lúc phần vỏ não trước trở nên "tăng động" hơn thông thường, tuy rằng hiện tượng này giúp chúng ta kiểm soát được những hành vi của mình khi giận dữ song nó sẽ khiến chúng ta cảm thấy kiệt quệ về tinh thần.
Chưa dừng lại ở đó, theo Baskin-Sommers, người đã có nhiều nghiên cứu về hành vi tội phạm và hành vi phản xã hội thì những trải nghiệm về cuộc sống cũng sẽ ảnh hưởng tới cách mà chúng ta cảm thấy tức giận. Cô cho biết: "Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra được những liên hệ giữa việc phải tiếp xúc với những cơn giận và sự hung hăng phi thực tế".
Một nghiên cứu gần đây nhắm tới việc tìm ra mức độ của việc phải tiếp xúc với bạo lực thế nào là đủ để nó có thể thay đổi quá trình nhận thức của người ta. Nhóm tác giả của cuộc nghiên cứu trên đã đi tới kết luận rằng những người với tuổi thơ phải sống với bạo lực tuy rằng vẫn có thể phân biệt được người tốt, người xấu, song họ không thể tin tưởng bất kì ai ngay cả khi người đó có hành động hết sức rộng lượng. Theo cách mà Baskin-Sommers lí giải thì "sự bạo lực đã định hình những người này ở sâu trong bản chất ở người ấy, khiến họ không thể phân biệt được ai là người mình nên tin tưởng. Những người này luôn cảm thấy mình như đang đứng bên bờ vực và không thể tìm ra được cách thức để họ có thể điều hướng được thế giới xã hội quanh mình".
Chính cảm giác lúc nào cũng bị đe doạ khiến cho cơn giận dữ và sự hung hăng trở nên dễ bị kích hoạt hơn. Song Baskin-Sommers lạc quan cho rằng trong tương lai sẽ có nhiều biện pháp can thiệp khác bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức, giúp những người này có thể vượt qua được trải nghiệm không mấy tươi đẹp của tuổi thơ.