Theo một nghiên cứu mới, loài chó có mũi lạnh hơn bình thường không phải ngẫu nhiên mà vì chúng là máy dò nhiệt siêu nhạy.
Tính năng này cho phép những con chó có thể phát hiện sự hiện diện của động vật có vú nhỏ chỉ trong khoảng cách chưa đầy 2m.
Chúng ta biết rằng mõm của chó mát hơn nhiệt độ xung quanh vài độ nhưng trước đây nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chỉ là do sự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Nhưng thực tế đầu mũi quá nhỏ, nó có khả năng không thể góp phần vào quá trình điều chỉnh nhiệt tổng thể của chó.
Để điều tra sâu hơn, Anna Bálint, một nhà nghiên cứu hành vi động vật tại Đại học Eötvös Loránd ở Budapest, Hungary và một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã đo nhiệt độ mũi của nhiều loài động vật, bao gồm ngựa, chó và nai sừng tấm.
Vào thời điểm Bálint tham gia dự án, nhóm nghiên cứu đã biết được rằng mũi của loài chó và động vật ăn thịt thường mát hơn so với mũi của động vật ăn cỏ. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng có lẽ đầu mũi mát hơn có thể là một lợi thế trong môi trường hoang dã.
Mũi của loài chó có nhiệt độ thấp hơn bình thường bởi nó hoạt động như một máy cảm biến nhiệt.
Cho đến một nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu châu Âu đã phát hiện ra rằng vùng da không có lông quanh mũi chó mát hơn khoảng 5 độ C khi nhiệt độ môi trường khoảng 30 độ C. Họ nghĩ rằng điều này cho phép mũi chó với nhiều đầu dây thần kinh, phát hiện những thứ nóng hơn xung quanh nó.
Để có kết quả nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng những con chó tham gia thử nghiệm. Chúng sẽ được giao nhiệm vụ để nhận ra sự khác biệt giữa hai vật thể giống hệt nhau đang tỏa ra các mức nhiệt khác nhau.
Sự chênh lệch nhiệt độ này quá yếu để con người cảm nhận mà không chạm vào nhưng những con chó hoàn toàn có thể cảm nhận được nó từ khoảng cách chưa đầy 2m.
"Tất cả các kích thích của nhiệt bức xạ được sử dụng trong các thí nghiệm của chúng tôi quá yếu để có thể cảm nhận được bằng tay người, ngay cả ở khoảng cách rất ngắn”, báo cáo nghiên cứu cho hay.
Để chứng minh thêm cho lý thuyết cho rằng rằng mũi chó có chức năng lớn hơn là chỉ điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, nhóm nghiên cứu còn đo hoạt động não của 13 con chó. Cuộc điều tra cho thấy việc đặt một vật ấm gần mũi chó gây ra sự tăng phản ứng của não.
Tác giả chính của nghiên cứu, Anna Bálint từ Đại học Eötvös Loránd, Hungary, cho biết: "Từ hai thí nghiệm bổ sung, chúng tôi có thể kết luận rằng chó thực sự có khả năng cảm nhận bức xạ nhiệt phát ra từ động vật máu nóng. Sử dụng thông tin cảm giác này để chỉ đạo hành vi có thể liên quan đến khả năng săn bắn và một khu vực cụ thể của hệ thống được kích hoạt bởi bức xạ hồng ngoại”.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Lund của Thụy Điển và Đại học Eotvos Lorand ở Hungary đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports.