Các nhà khoa học đã cố tìm câu trả lời cho câu hỏi này trong suốt một thời gian dài. Tin tốt là sau nhiều năm nghiên cứu, chúng ta nay đã biết được phần nào cơ chế đằng sau điều thần kỳ này.
Tế bào là gì?
Hẳn bạn đã biết rằng cơ thể được cấu tạo từ các tế bào. Đôi lúc chúng ta gọi tế bào là "những viên gạch dựng xây cuộc sống". Tự nhiên tạo ra mọi thành phần của cơ thể chúng ta bằng các tế bào. Nói cách khác, nếu bạn từng chơi LEGO, thì tế bào giống như những mẩu LEGO vậy. Giống như các khối LEGO, tế bào có nhiều hình dạng và màu sắc. Tế bào cũng có thể làm được rất nhiều điều khác nhau.
Cơ thể được cấu tạo từ các tế bào.
Da của bạn được cấu tạo từ nhiều tế bào khác nhau. Ví dụ, một vài trong số chúng tạo ra tóc, và một số khác tạo ra các vết sẹo khi bạn bị một vết cắt.
Ngay cả máu của bạn cũng được cấu tạo từ nhiều tế bào khác nhau. Tế bào máu đỏ sẽ khiến máu của bạn có màu đỏ.
Quay lại với câu hỏi chính.
Một số tế bào trong cơ thể chúng ta rất đặc biệt, bởi chúng có thể nhân lên. Không chỉ vậy, những tế bào đặc biệt này còn có thể biến thành các tế bào khác. Tên gọi của những tế bào đặc biệt đó là "tế bào gốc", và chúng là chìa khóa trong quá trình tái tạo các cơ quan trên cơ thể của chúng ta.
Cơ quan nào trên cơ thể có thể tự tái tạo?
Tái tạo là khi các cơ quan trong cơ thể tự sửa chữa chính chúng sau khi bị hư hại. Các cơ quan trên cơ thể có thể bị hư hại nếu chúng ta bị thương hoặc ốm rất nặng.
Các cơ quan như da (da là cơ quan lớn nhất của cơ thể!) cần được tái tạo thường xuyên. Tế bào gốc của da sản sinh ra các tế bào mới khi các tế bào cũ mất đi, giống như khi chúng ta bị dao cắt đứt da vậy.
Gan của chúng ta cũng rất giỏi trong việc tự tái tạo, bởi chúng cũng có thể tạo ra các tế bào mới. Các tế bào gan được gọi là "hepatocytes". Hepatocytes bắt đầu nhân lên khi gan bị hư hỏng, do đó có thể nói hepatocytes hoạt động như tế bào gốc vậy.
Ruột là một ví dụ điển hình khác của một cơ quan có khả năng tự tái tạo. Ruột của chúng ta tái tạo liên tục, kể cả khi chúng ta hoàn toàn khỏe mạnh. Chúng mất đi các tế bào trong quá trình tiêu hóa thức ăn, nhưng tế bào gốc trong ruột sẽ nhân lên để giữ cho cơ quan quan trọng này hoạt động bình thường.
Cơ quan nào trên cơ thể có khả năng tái tạo kém?
Não thực ra không thể tự tái tạo hiệu quả cho lắm bởi khi não bị hư hại, các tế bào của nó rất khó để tạo ra các tế bào mới. Đó là bởi não có rất ít các tế bào đặc biệt – hay tế bào gốc.
Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã phát hiện ra một số khu vực của não có thể tái tạo được. Nhưng chúng ta vẫn cần nghiên cứu nhiều hơn để hiểu được cơ chế hoạt động của nó.
Và một điều nữa mà chúng ta biết rõ: não tự tái tạo tốt hơn khi chúng ta còn trẻ, và kém dần đi khi về già.