Giới khoa học đang hy vọng, với dự án Lazarus, nhiều loài động vật đã tuyệt chủng có thể được tái sinh để phục vụ nghiên cứu. Quá trình này phức tạp hơn so với nhân bản vô tính động vật sống, nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng con người có khả năng và trách nhiệm sửa chữa những tổn thất đã gây ra cho hành tinh, dẫn đến cái chết của vô số loài động vật.
Loài ếch ấp bằng dạ dày và dê núi Pyrenean Ibex
Tại Úc, các nhà khoa học đang tiến hành tái sinh loài ếch ấp bằng dạ dày ở miền nam nước này, đã được chứng nhận tuyệt chủng vào năm 1983. Loài ếch này nuốt trứng đã được thụ tinh và sinh con bằng miệng. Con ếch cái cuối cùng của loài này đã chết năm 1983. May mắn là các mẫu tế bào của loài ếch này đã được đông lạnh và các nhà khoa học đang sử dụng một kỹ thuật gọi là chuyển nhân tế bào soma để thử tái sinh chúng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales đã loại bỏ nhân trong trứng của một loài ếch còn sống có mối quan hệ gần với loài đã tuyệt chủng, và thay thế bằng các tế bào của loài ếch đã tuyệt chủng. Vào mùa xuân, những trứng này đã đạt đến giai đoạn phôi sớm. Trang Daily Mail dẫn lời Giáo sư Mike Archer của dự án Lazarus: "Chúng tôi đã phục hồi các tế bào chết thành những tế bào sống và tái sinh bộ gien của loài ếch đã tuyệt chủng".
Bốn năm trước đây, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã tái tạo một con dê núi thuộc loài Pyrenean Ibex (đã tuyệt chủng từ năm 2000) từ một chú dê thuộc loài khác. Không may con vật đã chết ngay sau khi sinh. Các nhà khoa học cũng đã tiến hành công việc tương tự với loài bồ câu đã tuyệt chủng năm 1914, hải cẩu California, vẹt đuôi dài Carolina và hổ Tasmania. Tổ chức Nghiên cứu công nghệ sinh học Sooam (Hàn Quốc) thì đã bắt tay vào dự án tái sinh loài voi ma mút lông mịn.