Với các sinh vật ở những vùng phương Bắc xa xôi, việc kiếm ăn mỗi ngày đã không hề đơn giản. Như loài tuần lộc Svalbard ở Na-Uy, chúng đã phải làm quen với thảm thực vật nghèo phương Bắc từ rất lâu rồi.
Nhưng mới đây, các nhà khoa học phát hiện hình ảnh loài tuần lộc này đang nhai... rong biển. Vấn đề là ở chỗ, đây không phải là loại thực phẩm chúng vẫn thường ăn. Vậy mà chúng vẫn ăn, và theo các nhà khoa học đó là bởi vì chúng đã quá đói rồi.
Tuần lộc phải nhai rong biển bởi vì chúng quá đói.
Theo nghiên cứu mới đây của Brage Bremset Hansen - nhà sinh học từ ĐH Khoa học Kỹ thuật Na-Uy, hiện 1/3 trong tổng số 20.000 con tuần lộc ở quốc gia này đang kiếm ăn ở ngay trên bờ biển.
"Chúng có vẻ cũng không thể chỉ ăn rong biển" - Hansen cho biết. "Chúng di chuyển giữa các bờ biển và phát hiện ra một vài loài thực vật đã tan băng với số lượng ít ỏi. Bởi vậy, dĩ nhiên chúng phải ăn kèm bất kỳ thứ gì có thể tìm ra".
Tuần lộc Svalbard hiện đang bị cô lập trên một hòn đảo, chỉ có độc con đường bằng băng nối với nơi khác thì nay cũng tan chảy mất. Chúng ngày càng trở nên tuyệt vọng hơn. Các loài cây thường ăn bị vùi quá sâu dưới lớp tuyết, và chúng buộc phải chuyển sang rong biển.
Tuần lộc Svalbard thường bị tiêu chảy vì ăn rong biển.
Rong biển tuy ẩn chứa một nguồn dinh dưỡng khá phong phú, nhưng không phải thức ăn phù hợp cho tuần lộc. Theo Hansen, chúng thường bị tiêu chảy vì ăn rong biển.
Bi kịch còn nằm ở chỗ thực chất hiện tượng tuần lộc ăn rong biển đã từng được ghi nhận trước kia, nhưng chủ yếu là vào mùa đông với tần suất cực kỳ hạn chế. Giờ đây, hành vi này được ghi nhận thường xuyên hơn hẳn.
Sự thật lại cho thấy hành tinh này đang thay đổi quá nhanh so với những gì sinh vật có thể đáp ứng.
Theo Hansen, vùng Bắc Cực hiện đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn gấp 3 lần so với phần còn lại ở thế giới. Mưa rơi nhiều hơn, trong khi tuyết thì ít xuất hiện. Lượng mưa nhiều cùng nhiệt độ thấp đã tạo ra những tảng băng rất cứng, khiến các loài thực vật bị chôn vùi dưới băng và tuần lộc cũng không có cách nào xuyên thủng.
Việc tuần lộc chuyển sang ăn rong biển có thể coi là một phần của quá trình thích nghi. Tuy nhiên, sự thật lại cho thấy hành tinh này đang thay đổi quá nhanh so với những gì sinh vật có thể đáp ứng.
Năm 2016, một nghiên cứu cho thấy những con tuần lộc Svalbard trưởng thành có cân nặng trung bình giảm từ 55kg xuống còn 48kg so với thập niên 1990. Con số này thấp hơn 20kg so với cân nặng lý tưởng chúng nên đạt tới.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ecosphere.