Tắm nắng 12h trưa hấp thụ nhiều vitamin D nhất

Cơ thể hấp thụ vitamin D tốt nhất là khi mặt trời đứng bóng, tức khoảng 12h trưa và nên tắm nắng vào 9-10h sáng.

Chia sẻ nhân Ngày vitamin D thế giới 2/11, bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng Khoa Khớp Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) cho biết thời điểm cơ thể hấp thụ vitamin D hiệu quả nhất là lúc mặt trời đứng bóng. Khi bóng đổ dưới ánh mặt trời càng dài, khả năng hấp thụ vitamin D càng ít hiệu quả. Do đó việc tắm nắng nên thực hiện lúc 12h trưa. Tuy nhiên nếu bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khung giờ này sẽ làm tăng tỷ lệ ung thư da. Do đó khuyến cáo mới nhất là nên phơi nắng vào 9-10h sáng và 15-16h chiều.

"Mỗi ngày chỉ cần phơi nắng khoảng 5-10 phút là đảm bảo đủ lượng vitamin D, không nên phơi quá lâu sẽ gây hại cho da", nữ bác sĩ được nhận giải thưởng UNESCO với nhiều bài công bố quốc tế trong lĩnh vực xương khớp cho biết. Nếu bạn phơi nắng không thuộc thời gian khuyến cáo thì nên chọn thời điểm bóng đổ ngắn hơn chiều dài cơ thể và phơi khoảng 15 phút.


Thời điểm hấp thụ vitamin D tốt nhất là 12h trưa. (Ảnh: heath fitness).

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, chuyên về cột sống - tủy sống cho biết quan điểm này ban đầu có thể gây nhiều lo ngại, song đã được các nhà khoa học hàng đầu thế giới kiểm chứng và công bố. Trước đây các bác sĩ luôn khuyên nên tắm nắng càng sớm càng tốt để tránh các tác hại của tia cực tím. Quan điểm hiện nay là nên tắm nắng trễ và chỉ cần vài phút là đủ. "Phát hiện này cần có thêm thời gian để cập nhật đến các bác sĩ và điều chỉnh trong cộng đồng", bác sĩ Sơn nói.

Ước tính khoảng 1/3 dân số thế giới thiếu vitamin D. Bác sĩ Thục Lan cho biết Việt Nam là nước nhiệt đới nhưng tỷ lệ thiếu hụt vitamin D vẫn rất cao. Bổ sung vitamin D đầy đủ có thể làm giảm 35% nguy cơ tử vong do ung thư đại trực tràng, giảm 30% nguy cơ cao huyết áp và các bệnh như tiểu đường, tim mạch, nhiễm trùng...

Thiếu vitamin D dễ dẫn đến nguy cơ loãng và gãy xương, nguy cơ bị bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, lão hóa sớm, vô sinh, thai phụ dễ sanh non, sanh con nhẹ cân... Hiện nhiều cơ sở y tế Việt Nam đã xét nghiệm đánh giá tình trạng thiếu hay đủ vitamin D của mỗi người. Trường hợp thiếu hụt vitamin D dưới 20 ng/ml thì phải điều trị. Người béo phì, lớn tuổi có tiền căn té ngã, ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời, thói quen che kín khi ra ngoài, dùng kem chống nắng, sử dụng corticoid kéo dài, suy thận, suy gan, phụ nữ có thai, cho con bú... đều được khuyến cáo tầm soát vitamin D.

Vitamin D là tiền chất nội tiết tố steroid tan trong mỡ, có hai dạng quan trọng là vitamin D2 và D3. Vitamin D2 được bổ sung từ thực phẩm như sữa, nước cam, sữa chua, một vài loại ngũ cốc hoặc thực phẩm chức năng. Vitamin D3 sản sinh từ da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từ thực phẩm bổ sung như cá hồi, cá tuyết, gan...

Cập nhật: 04/11/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video