Tàn nhang là một khuyết tật nhỏ ngoài da, liên quan chủ yếu tới sự tăng trưởng sắc tố ở lớp đáy và lớp trung bì. Nó là những chấm nhỏ màu nâu hình tròn, phẳng có đường kính dưới 0,5 cm, thường thấy ở vùng da mặt, cổ vai và mu bàn tay sau khi tiếp xúc với ánh nắng.
Tàn nhang thường gặp ở những người có làn da trắng, mỏng, mịn; có tính di truyền. Tuổi càng cao, các nốt tàn nhang càng sẫm màu hơn. Bệnh tăng về mùa hè và giảm về mùa đông. Tàn nhang chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ chứ không gây hại sức khỏe.
Nốt tàn nhang thường nổi rõ khi cơ thể gầy yếu và mờ đi khi cơ thể khỏe mạnh. Do đó, để tàn nhang đỡ ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ, vấn đề chủ yếu là phải tăng cường sức khỏe toàn thân. Tàn nhang có nhiều màu: đỏ, vàng, nâu sậm, nâu nhạt, nâu hay đen...; chúng luôn luôn đậm hơn màu da xung quanh do lắng đọng sắc tố melanin.
Cần phân biệt tàn nhang với nốt ruồi - những chấm tăng sắc tố (màu đen) gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Tàn nhang cũng rất dễ nhầm với nám má - những đốm, dát màu nâu đường kính rộng vài cm, thường xuất hiện ở 2 má, vùng thái dương và trán của phụ nữ có thai, mãn kinh hoặc đang uống thuốc tránh thai. Ngoài ra, cũng cần phân biệt tàn nhang với các bệnh lý sau:
Nốt ruồi son ác tính: Đây là bệnh hiếm xảy ra, thường ở trên mặt người già có tiền sử tiếp xúc với ánh nắng nhiều. Sau nhiều năm, nếu không điều trị, bệnh này có thể diễn tiến thành ung thư ác tính.
Melanom: Một dạng ung thư da rất nguy hiểm có thể xuất hiện ở những người trẻ. Khoảng 40-50% melanom phát triển từ nốt ruồi. Tuy nhiên, so với tàn nhang thì melanom có khuynh hướng lớn hơn, đen hơn và không có hình dạng màu sắc nhất định như một tàn nhang bình thường.
Ung thư tế bào đáy: Là ung thư da thường gặp nhất. Nó thường đỏ hay óng ánh, nhưng thỉnh thoảng nó trở nên nâu làm nhầm lẫn với tàn nhang.
Có hai loại tàn nhang
Chấm tàn nhang: Những đốm phẳng màu đỏ hay nâu nhạt, xuất hiện trong những tháng hè nhiều ánh nắng và biến mất hay phai nhạt trong mùa đông. Tàn nhang này thường thấy ở những người có nước da sáng và trong một vài gia đình, chúng có tính di truyền. Che chắn trong thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để ngừa sự xuất hiện những tàn nhang dạng chấm.
Nốt ruồi son: Trẻ em có thể xuất hiện một đốm nâu sậm, nâu hay đen có khuynh hướng tối hơn chấm tàn nhang và không mất hay phai màu trong mùa đông. Đốm dạng này được xem như là nốt ruồi đơn thuần. Tính di truyền của nốt ruồi hiếm và chúng thường xuất hiện từng nốt đơn độc.
Tàn nhang có khuynh hướng xuất hiện bất kỳ lúc nào, nó không là dấu hiệu của tuổi già. Thỉnh thoảng, những nốt ruồi son ở người già trở thành màu nâu, tổn thương vảy khô gọi là dày sừng bã đậu. Dày sừng bã đậu trông giống như sáp, có thể xảy ra cùng vị trí tàn nhang nhưng nguyên nhân không phải là ánh sáng mặt trời, chúng có thể xuất hiện ở những vùng được che phủ.
Điều trị và phòng ngừa
Tàn nhang có chiều hướng tiến triển cùng với ung thư da nhạy cảm với ánh nắng. Đây cũng là dấu hiệu báo động cho những người có làn da dễ bị tổn thương do ánh nắng và ung thư da.
Có thể sử dụng các hóa chất làm nhạt màu tàn nhang (như sử dụng ôxy già, thủy ngân), phương pháp này tự làm ở nhà cũng được. Một số trường hợp có thể dùng phương pháp laser. Nếu tàn nhang mọc nhiều và sậm màu, việc điều trị cần đến một số thuốc, mỹ phẩm... với sự chỉ định hướng dẫn, rõ ràng của bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên, các phương pháp điều trị tàn nhang bằng hóa chất như bôi dung dịch chỉ có thể làm nhạt bớt màu, chứ không thể ngăn chặn sự xuất hiện các nốt tàn nhang mới. Phương pháp đốt điện, dùng tia laser hoặc đốt lạnh bằng ni-tơ lỏng có thể xóa các nốt tàn nhang, nhưng nếu làm không cẩn thận sẽ rất dễ để lại trên da những vết sẹo thâm hoặc sẹo giảm sắc tố, làm giảm thẩm mỹ.
Chính vì thế, việc phòng ngừa luôn tốt hơn là để tàn nhang xuất hiện rồi sau đó điều trị. Những người có yếu tố di truyền bị tàn nhang nên che chắn bất cứ khi nào thích hợp và hạn chế tiếp xúc tối thiểu với ánh nắng mặt trời. Việc làm này giúp ngăn chặn phát sinh tàn nhang và quan trọng hơn nữa là giảm nguy cơ ung thư da.
Cần tránh nắng bằng cách đội nón mũ rộng vành, đi găng tay, dùng kem chống nắng có chỉ số SPF lớn hơn 15 (bôi vào vùng da hở trước khi ra nắng 20-30 phút), tránh làm việc ngoài trời từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Ngoài ra, có thể dùng kem làm trắng da chứa hydro quinone 2% hoặc vitamin A vào các buổi tối trước khi đi ngủ.