Lỗ thủng tầng ôzôn đang có xu hướng rất nhỏ lại và có khả năng phục hồi lại tình trạng như năm 1980 vào giữa thế thể kỷ này, theo một báo cáo mới đây của các nhà khoa học thuộc Liên Hợp Quốc.
Lỗ thủng tầng ôzôn vào năm 1980 (trái) và hiện trạng (phải). (Ảnh: Dail Mail)
Các nhà khoa học đã phát hiện thấy một lỗ thủng ôzôn phía trên vùng Nam Cực vào những năm 1970 và lỗ thủng này lớn dần đến mức cảnh báo vào những năm 1980 khi có sự tấn công dữ dội của các chất CFC. Nguy cơ thủng tầng ôzôn đã thôi thúc 196 nước cùng ký vào Nghị định thư Montreal vào năm 1987.
Việc cấm sử dụng gần 100 hợp chất gây hại cho tầng ôzôn, như hợp chất chlorofluorocarbons (CFC) - các chất được sử dụng trong sản xuất tủ lạnh, các dạng bình phun dưới áp suất và một số hóa chất đóng gói dạng bọt – theo Nghị định thư Montreal, đã góp phần giúp lỗ thủng tầng ôzôn đang ngày càng thu nhỏ lại và lỗ thủng có khả năng phục hồi lại tình trạng như năm 1980 vào khoảng năm 2048.
"Nghị định thư Montreal được ký năm 1987 đã bảo vệ ôzôn không tiếp tục bị suy giảm trong những thập kỷ bằng việc kiểm soát các hóa chất gây hại tầng ôzôn”, bản báo cáo chung của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cho biết.
Bản báo cáo này được đưa ra sau khi 300 nhà khoa học học thuộc WMO và UNEP tham gia đánh giá thực trạng tầng ozon trong 4 năm liên tục. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cũng cho biết lỗ thủng tầng ôzôn sẽ chỉ biến mất hoàn toàn sớm nhất là vào năm 2073.
Tầng ôzôn có vai trò như một lớp màng bảo vệ tự nhiên chống lại các tia tử ngoại từ Mặt Trời có thể gây cháy nắng, ung thư da ở người, cũng như hủy hoại cây cối. Vì thế, việc lỗ thủng tần ôzôn đang nhỏ lại sẽ giúp chúng ta có tránh được hàng nghìn ca ung thư da mỗi năm.