Tờ Daily Mail của Anh vừa qua đưa tin các chuyên gia động vật học đã phát hiện dấu vết của cóc rừng Wendy - một trong những loài động vật hiếm nhất thế giới – tại khu vực bảo tồn rừng của quốc gia Đông Phi Tanzania. Trước đó, các nhà động vật học còn cho rằng loài vật này đã tuyệt chủng.
Hoạt động tìm kiếm loài cóc quý hiếm này do Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thuộc Vườn thú Devon Paignton của Anh phát động.
Cóc rừng Wendy. (Nguồn: Internet).
Các nhà khoa học thuộc vườn thú nói trên cùng với các nhà động vật học địa phương đã phát hiện ra dấu vết của cóc rừng Wendy tại một khu vực chỉ rộng 300 m2 (tương đương 1/2 sân bóng) trong khu bảo tồn rừng của Tanzania. Loài cóc này được cho là có tính khu vực rất cao, nghĩa là chúng sinh sống trong một lãnh thổ vô cùng nhỏ hẹp mà những khu vực khác trên thế giới không hề có dấu vết của chúng.
Cóc rừng Wendy vừa được phát hiện sinh sống trong một khu vực có đặc điểm đa dạng sinh học, song hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa về tình trạng phá rừng và biến đổi khí hậu.
Ông Mike Bungard, phụ trách động vật có xương sống và không xương sống bậc thấp của Vườn thú Paignton cho biết: “Tuy cóc rừng Wendy không phải là một loài động vật mới được phát hiện song việc tìm thấy bằng chứng sinh tồn của chúng chính là một điều vô cùng thần kỳ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là không thấy bóng dáng của cóc rừng Poynton (một trong ba loài cóc bị liệt vào danh sách Cực kỳ nguy cấp) tại khu vực từng nhìn thấy chúng 10 năm trước đây mặc dù chúng tôi vẫn đang tìm kiếm. Những con vật nhỏ bé sinh sống trong một khu vực nhỏ hẹp rất dễ bị đe dọa tính mạng từ những nguồn bệnh dịch hoặc thảm họa”.