Các nhà nghiên cứu từ Trường đại học Quốc gia Úc (ANU) đã phát hiện ra cách tạo ra khí hydro có thể dùng cho ôtô bằng việc bắt chước quá trình quang hợp của lá cây.
Tiến sĩ Kastoori Hingorani cho biết: “Nước và ánh sáng mặt trời đều là những nguồn tài nguyên dồi dào và sẽ rất thú vị khi tận dụng chúng để tạo ra hydro một cách an toàn với chi phí thấp”.
Để làm được điều đó, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một loại protein đặc biệt. Khi tiếp xúc với ánh sáng, nó sẽ tạo ra điện tích là chìa khóa của quá trình quang hợp. Thực chất, loại protein này là một phiên bản của Ferritin có thể tìm thấy ở hầu hết tất cả các sinh vật sống. Tiến sĩ cho biết đây là loại protein sẵn có trong tự nhiên, giá cả lại phải chăng nên rất phù hợp với các nước đang phát triển.
Vai trò thông thường của Ferritin là lưu trữ sắt nhưng các nhà nghiên cứu đã loại bỏ sắt và thay thế bằng một kim loại phong phú hơn là mangan cho gần giống với quá trình chia tách nước trong quang hợp.
Giáo sư Ron Pace, một người tham gia nghiên cứu, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi mô phỏng lại quá trình thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời”. Ông cho rằng nghiên cứu sẽ mở ra khả năng mới cho việc sản xuất hydro như một nguồn nhiên liệu sạch và giá rẻ. Thậm chí, theo ông, một lượng lớn hydro được tạo ra bởi quá trình quang hợp nhân tạo có thể sẽ làm thay đổi nền kinh tế.
Xe chạy bằng hydro đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà sản xuất muốn tung ra thị trường những mẫu xe thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn cung cấp hydro cũng là một “bài toán khó”. Bởi vậy, nếu phương pháp này được đưa vào sản xuất hàng loạt có thể sẽ tạo ra một nguồn cung cấp hydro dồi dào cho ngành công nghiệp xe hơi.